Thời sự - Bình luận

Hỗ trợ đúng người, nhanh chóng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15-6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Tính đến ngày 27-5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỉ đồng/35.880 tỉ đồng (tỉ lệ 36,5%). Gói hỗ trợ người sử dụng lao động với quy mô 16.000 tỉ đồng mới giải ngân 41,8 tỉ đồng (tỉ lệ 0,26%) cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động (NLĐ). Còn gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô 6.500 tỉ đồng, đã giải quyết cho 192.503 NLĐ của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp (DN) với tổng số tiền trên 786 tỉ đồng (12,1%). Theo ông Vũ Hồng Thanh, các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt NLĐ trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, DN nhỏ, siêu nhỏ.

Cũng những ngày này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang hoàn thiện dự thảo gói hỗ trợ an sinh xã hội lần thứ 2, dự kiến hơn 27.300 tỉ đồng. Ngoài 17.900 tỉ đồng miễn tiền đóng và tạm dừng, gia hạn đóng vào các quỹ BHXH và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ DN đào tạo lại NLĐ; sẽ dành 380 tỉ đồng hỗ trợ NLĐ dừng hợp đồng, nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức 1,8 triệu đồng/người; dành 600 tỉ đồng hỗ trợ hộ kinh doanh phải tạm đóng cửa để phòng dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng với mức 2 triệu đồng/hộ/tháng; 70 tỉ đồng hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em phải cách ly y tế phòng dịch với mức 80.000 đồng/trẻ em/ngày; 1.000 tỉ đồng cho Bắc Giang và Bắc Ninh để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và lực lượng phòng chống dịch...

Theo dự thảo trên, Ngân hàng Chính sách xã hội được đề nghị cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc (hơn 2.400 tỉ đồng), cho vay trả lương trong thời gian phục hồi sản xuất (hơn 5.000 tỉ đồng).

Vào tháng 4-2020, gói an sinh lần 1 trị giá gần 62.000 tỉ đồng cũng được Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Chính phủ ban hành. Tới tháng 5-2021, gói an sinh trên giải ngân được gần 14.000 tỉ đồng, tương đương hơn 22% dự kiến ban đầu, để hỗ trợ cho gần 13,2 triệu người. Do đó, với gói an sinh xã hội lần thứ 2, cần rút kinh nghiệm từ gói lần 1, triển khai nhanh và thủ tục đơn giản hơn để tất cả người cần hỗ trợ đều nhận được hỗ trợ, đạt được mục tiêu đặt ra. Hơn nữa, trong Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng ký ngày 14-6, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân - lao động, DN vượt qua đại dịch Covid-19 và kịp thời tổ chức triển khai thực hiện.

Người dân hy vọng dự thảo sẽ sớm được phê duyệt. Để chính sách đi vào đời sống với tính khả thi, hiệu quả cao hơn gói hỗ trợ lần 1, các điều kiện đưa ra không nên quá cao hoặc thủ tục rườm rà. Phải rõ địa chỉ trách nhiệm và phân cấp mạnh cho địa phương thì NLĐ và DN mới được tiếp cận chính sách dễ dàng hơn, việc triển khai không bị ách tắc, trì trệ. Tiền hỗ trợ đến đúng tay người nhận, đúng lúc đang cần thì càng có ý nghĩa lớn hơn, tiếp sức DN và NLĐ, các đối tượng xã hội vượt qua đại dịch.

 

Theo HIỀN MINH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm