(GLO)- Nằm trong khuôn khổ chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Gia Lai được hỗ trợ xây dựng 570 nhà tiêu hợp vệ sinh tại 9 xã thuộc 7 huyện trong tỉnh . Đây là yếu tố quan trọng góp phần thay đổi hành vi vệ sinh ở nông thôn.
Các xã được chọn triển khai đều là xã trọng điểm mà theo khảo sát trước đó số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh còn khá thấp, trung bình chỉ 52,1%. Đó là các xã: Đak Rong (huyện Kbang), Ia Phang (huyện Chư Pưh), Ia Ka, Hòa Phú (huyện Chư Pah), Ia Sao, Ia Hrung (huyện Ia Grai), Ia Hiao (huyện Phú Thiện), Đak Yă (huyện Mang Yang) và Ia Glai (huyện Chư Sê).
Hướng dẫn người dân lắp mô hình mẫu nhà tiêu hợp vệ sinh. Ảnh: N.N |
Nhờ sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương trong tuyên truyền về an toàn vệ sinh nên nhận thức người dân những năm qua đã được nâng lên, nhiều thói quen, hành vi vệ sinh chưa chuẩn mực đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, góp phần cải tạo môi trường sống, phòng-chống bệnh tật. Tuy nhiên, vì thói quen, tập quán sinh hoạt, nhiều người vẫn tiện đâu xả đó, phóng uế bừa bãi. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không xây dựng nhà tiêu hoặc có xây dựng nhưng không hợp vệ sinh gây ảnh hưởng môi trường, dẫn đến nguy cơ bệnh tật.
Đã làm nhà nhưng chị Rơ Lan HBốk (làng Đê, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) lại chưa xây nhà tiêu. Chị HBốk chia sẻ: Do không có nhà tiêu nên phải sang nhà anh, chị hoặc ra vườn. Dù rất bất tiện nhưng do khó khăn nên chị vẫn chưa nghĩ đến việc làm nhà tiêu. Còn chị Blenh (làng Nhú, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) thì có khá hơn. Gia đình chị đã đào hố, dựng chòi làm nhà tiêu theo hướng dẫn của cán bộ y tế nhưng vẫn chưa đảm bảo vệ sinh. “Không chỉ gia đình mình mà nhiều hộ cũng làm nhà tiêu đơn sơ vậy thôi. Nói chung, vì còn nhiều việc phải lo hơn nên chuyện nhà tiêu hợp vệ sinh từ từ rồi tính”-chị Blenh cho hay.
Việc phóng uế bừa bãi hoặc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn là tác nhân gây ra nhiều bệnh tật; trong đó thường gặp là những bệnh về đường tiêu hóa như: tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán… Ông Rơ Mah Ban-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh-thông tin: Theo kết quả khảo sát, huyện chỉ có khoảng trên 50% hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, còn lại không có hoặc có nhưng chưa phù hợp. Qua thực tế khám-chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, có nhiều trường hợp bệnh đường tiêu hóa, nhiễm giun móc, lỵ amíp, lỵ trực trùng… “Tôi đã giải thích cho bà con hiểu rõ, trong đó nhắc nhở, tuyên truyền cách phòng bệnh cũng như thay đổi thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh”-ông Ban nói. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh cho biết thêm: Từ khi triển khai dự án “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” trên địa bàn huyện, cán bộ y tế thường xuyên tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người dân; tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ngày càng tăng.
Huyện Chư Pah có 2 xã Ia Ka và Hòa Phú được hưởng lợi từ chương trình. Ông Huỳnh Quang Trung-cán bộ chuyên trách vệ sinh môi trường (Trung tâm Y tế huyện Chư Pah) cho biết: Tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại địa bàn chỉ khoảng 50%. Mặc dù huyện thường xuyên tuyên truyền cho người dân về việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, phòng tránh bệnh tật nhưng nhiều nơi do điều kiện kinh tế khó khăn nên người dân còn chưa quan tâm đúng mức. Với việc triển khai chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, mỗi hộ dân được hỗ trợ 50 USD (khoảng 1,1 triệu đồng) để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đây là điều kiện cần thiết, góp phần thay đổi hành vi, thói quen vệ sinh nông thôn có lợi cho sức khỏe. Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka Rơ Châm HNgoan cho biết: “Trước đây, đa số nhà tiêu tại các hộ trên địa bàn xã chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh. Thông qua chương trình, Ia Ka có 104 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Như Nguyện