Hỗ trợ sinh kế giúp hộ nghèo vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
 

Trao “cần câu”

Do bị mù 1 mắt và sống đơn thân nên bà Rơ Lan Bem (làng Pó, xã Ia Kly, huyện Chư Prông) thuộc diện hộ nghèo “bền vững” của địa phương. Để giúp bà Bem cải thiện cuộc sống, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện trích từ Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ 1 con bò giống và làm chuồng nuôi nhốt. Đến nay, bà Bem có 4 con bò. Bà Bem phấn khởi cho hay: “Giờ mình nhiều bò rồi. Hàng tháng, mình bán phân bò cũng có một ít tiền. Tháng trước, có người đến hỏi mua bò mà mình không bán, mình muốn nuôi để có thêm nhiều bò. Như vậy mới không còn nghèo khổ nữa”.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Sê hỗ trợ dê giống cho hộ nghèo. Ảnh: Anh Huy


Cuối năm 2019, gia đình ông Siu Nuyên (làng Á, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 4 con dê giống trị giá 12 triệu đồng. Với gia đình ông, đàn dê là cả gia tài và là hy vọng duy nhất để thoát nghèo. Vì vậy, ông dành nhiều thời gian để tìm hiểu về đặc tính của dê, cách chăm sóc, phòng bệnh. Nhờ đó, đàn dê đã tăng lên 12 con.

Ông Nuyên cho hay: “Tôi xác định đây là mô hình phát triển kinh tế của gia đình nên sẽ tiếp tục chăn nuôi, mở rộng quy mô”. Tương tự, sau vài tháng được nhận hỗ trợ sinh kế, 2 trong 4 con dê giống đã sinh sản như tiếp thêm động lực giúp gia đình ông Rơ Lan Vir (làng Tnung, xã Hbông) cải thiện cuộc sống. “Được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ con giống, mình mừng lắm! Mình sẽ cố gắng nuôi thật nhiều, khi nào cần sửa nhà hoặc cần tiền cho con đi học mới bán bớt 1-2 con”-ông Vir nói.

Riêng hộ ông Y Đa Ê Ban (làng Bông Pim, xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang) được hỗ trợ bò giống. Đến nay, ông sở hữu 6 con bò và tận dụng nguồn phân bón cho 300 cây cà phê.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Để giúp hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ dân tộc thiểu số từng bước thay đổi cuộc sống, từ năm 2019 đến nay, bằng nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Sê đã hỗ trợ 23 “Đàn dê thoát nghèo” (mỗi đàn 4 con) với tổng trị giá 277 triệu đồng cho 23 hộ nghèo ở các xã: Ia Hlốp, Hbông, Ayun, Al Bá, Ia Ko, Kông Htok và Ia Pal.

Bà Đinh Thị Thông-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Sê-cho biết: “Tất cả dê giống trước khi hỗ trợ đều được kiểm dịch, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đạt trọng lượng theo yêu cầu. Sở dĩ chúng tôi lựa chọn mô hình nuôi dê làm phương tiện sinh kế vì dễ nuôi, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Thức ăn cho dê cũng dễ kiếm, thời gian nuôi ngắn, khoảng 4-5 tháng là có thể xuất bán”. Cũng theo bà Thông, tất cả các hộ được nhận hỗ trợ dê giống đều đã thoát nghèo. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục kiểm tra, đánh giá hiệu quả của mô hình để có sự điều chỉnh phù hợp và nhân rộng trên địa bàn huyện.

Bà Rơ Lan Bem (làng Pó, xã Ia Kly, huyện Chư Prông) được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 1 con bò giống, nay đã phát triển lên 4 con. Ảnh: Anh Huy

Căn cứ vào nguồn quỹ được phân bổ, huy động và nhu cầu thực tế của người dân, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh cũng đã hỗ trợ hàng trăm con giống cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Ông Võ Xuân Bảo-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh-nhấn mạnh: “Việc trao “cần câu” kịp thời, đúng nhu cầu, nguyện vọng sẽ là động lực để hộ nghèo vươn lên. Từ năm 2021 đến nay, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các địa phương, đơn vị hỗ trợ sinh kế cho gần 50 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn”.

Để góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp không ngừng đẩy mạnh công tác vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”. Trong 2 năm (2020 và 2021), Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã hỗ trợ sinh kế cho 480 hộ nghèo với trị giá gần 3,3 tỷ đồng. Không chỉ hỗ trợ về phương tiện sinh kế, Mặt trận các cấp còn thường xuyên phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật và huy động hệ thống chính trị cùng tham gia; phân công cụ thể cho các tổ chức thành viên cùng theo dõi, giúp đỡ để người dân xóa bỏ mọi rào cản, thay đổi về nhận thức, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội.

Ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-khẳng định: “Hầu hết mô hình đều phát huy hiệu quả, góp phần giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá lại hiệu quả của từng mô hình. Mô hình nào phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân sẽ tiếp tục nhân rộng”.

 ANH HUY - LÊ ĐẠI
 

Có thể bạn quan tâm