Ai đã đi qua chiến tranh thì mới hiểu: một ngày hòa bình là một ngày quý giá, vô cùng quý giá! Một bà mẹ Thừa Thiên mà tôi đã gặp, là một trong những người như thế, hiểu tận cùng giá trị của hòa bình bằng chính nỗi đau chiến tranh mà bản thân phải hứng chịu.
Các tiết mục trong chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Lễ hội Vì hòa bình 2024 tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: VGP |
Mẹ là người đã sống qua bốn cuộc chiến tranh, hết chống Pháp thực dân lại qua chống Mỹ xâm lược, hết chiến tranh biên giới Tây Nam lại nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Nói đúng hơn, mẹ đã sống trong khổ đau và lo âu suốt bốn cuộc chiến. Mẹ sinh đứa con trai út trong một ngày chiến tranh, bom đạn nổ trên đầu, bệnh viện di tản chỉ còn một cô hộ sinh giúp mẹ vượt cạn. Đứa con lớn lên với một nỗi ám ảnh khuôn mặt mẹ đầy hoảng hốt dắt đàn con chạy dạt sang làng bên để tránh một trận pháo ác liệt. Ngày súng đạn ngưng tiếng, hòa bình lập lại trên quê nhà, mẹ mới thật sự cười tươi rạng rỡ. Những ngày sau năm 1975, cuộc sống vẫn còn đói nghèo, chén cơm độn sắn, nhưng mẹ vẫn động viên: “Hòa bình rồi, ăn củ sắn cũng ngon!”. Mẹ nói: “Cứ yên ắng như ri thì nhà cửa, xe cộ chi rồi cũng có hết”.
Từ câu chuyện của bà mẹ miền Trung và của mỗi người Việt Nam đã sống khổ đau qua chiến tranh, nhìn rộng ra sẽ thấy câu chuyện của cả đất nước. Tính đến hôm nay, năm 2024, đất nước đã thống nhất 49 năm. Dẫu biên giới vẫn còn “nóng sôi” thêm vài năm sau đó, nhưng cũng có thể xem hòa bình đã sinh sôi trở lại trên đất nước Việt Nam gần nửa thế kỷ. Nhìn lại hình ảnh của đất nước 49 năm trước, dù vẫn chưa đạt thành tựu như mong muốn, nhưng cuộc sống của người dân đã đổi thay rất nhiều.
Đúng như lời mộc mạc của bà mẹ quê, từ chỗ cơm độn sắn vẫn không đủ no, giờ thì những đứa con của mẹ “nhà cửa, xe cộ chi cũng có hết”. Họ hàng, làng xóm của mẹ, xã huyện của mẹ và nhìn rộng ra cả nước, phần đông đều đã đạt được cuộc sống ấm no, nhà cửa, tiện nghi đầy đủ. Đó là kết quả của cha mẹ cần cù cày cuốc, con cái siêng năng học hành, cháu chắt vươn lên tiếp cận văn minh, hiện đại. Nhưng sự cần cù, siêng năng, nỗ lực đó, nếu không diễn ra trên một đất nước hòa bình, thì thật khó mà đạt được, nếu không nói là có cũng như không. Bởi vì, để xây được một ngôi nhà kiên cố phải làm việc quần quật và chắc chiu cả đời người, nhưng nó sẽ sụp đổ tan tành chỉ sau một loạt pháo kích. Chiến tranh là phi nghĩa, là vô nghĩa. Hãy đến Quảng Trị, vùng đất hứng chịu mất mát nặng nề nhất do chiến tranh gây nên, nhất là vào những ngày tháng bảy này, bạn sẽ thấu hiểu điều đó.
Đó cũng là lý do mà lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên đã được tổ chức tại Quảng Trị đã khai mạc từ hôm đầu tháng bảy này. Trong chương trình “Khúc ca hòa bình” diễn ra vào đêm 13/7 vừa qua, tại công viên Phidel - thành phố Đông Hà, những ca khúc phản chiến - ca ngợi hòa bình của Trịnh Công Sơn đã vang lên trên mảnh đất tang thương vì chiến cuộc một thời. Trịnh Công Sơn đã hát: “Cho tôi đi nâng dậy hòa bình”, bởi vì “Hòa bình như lúa thơm nuôi dân mình”, hòa bình “nuôi tim mẹ nuôi tim cha, nuôi tim nhau, nuôi đất nước thật giàu”.
Bất cứ quốc gia nào, muốn giàu mạnh thì phải có hòa bình, phải giữ hòa bình. Không có hòa bình thì không thể phát triển. Hay nói cách khác, hòa bình là nền tảng, là gốc gác của phát triển. Hòa bình luôn đi liền với phát triển. Chỉ cần một ngày bình yên, không súng nổ, không đổ máu, thì cuộc sống sẽ tự khắc tăng trưởng, như cây cối tự nhiên lên xanh. Nếu có sự đầu tư, chăm bón, sự nỗ lực phấn đấu, thì tăng trưởng sẽ diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn.
“Hòa bình là cuộc chiến duy nhất đáng tiến hành!” - nhà văn Albert Camus - người đoạt giải Nobel văn chương năm 1957 đã nói như thế. Đó là cuộc chiến không có súng đạn, chỉ có trí tuệ và tình thương, bằng giải pháp hòa bình, để bằng mọi giá phải bảo vệ hòa bình. Vì không có hòa bình thì không có văn minh, không thể có tự do, hạnh phúc!