Phóng sự - Ký sự

Hoa hậu Việt: Gian nan và cạm bẫy (*): "Lò" đào tạo hoa hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lần đầu tiên, một trung tâm đào tạo hoa hậu chính thức ra mắt tại Việt Nam, được đánh giá là bước ngoặt trong đấu trường nhan sắc
Trung tâm Đào tạo hoa hậu Việt Nam, dưới sự điều hành của Elite Vietnam, quy tụ những chuyên gia trong và ngoài nước. Những chuyên gia của "lò" này khá tên tuổi trong các cuộc thi nhan sắc của thế giới: Jonas Gaffud, người được mệnh danh là "ông trùm" hoa hậu của Philippines, Anjo Santos, Trung tâm Đào tạo Hoa hậu thế giới của Philippines, Henri Hubert, đạo diễn catwalk đến từ Pháp...
Cạnh tranh với Philippines, Thái Lan...
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một trung tâm đào tạo hoa hậu chính thức dù ý tưởng thành lập "lò" đào tạo này không mới, thậm chí đã nhen nhúm từ 30 năm trước.
Ông Dương Xuân Nam, cựu trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, cho biết gần 30 năm trước, Việt Nam từng có CLB Người đẹp Việt Nam do Hoa hậu Bùi Bích Phương thành lập với mục đích đào tạo, quản lý các hoa hậu trước và sau đăng quang. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, CLB hoạt động không được bao lâu. Ông Nam cũng từng có ý định thành lập một "lò" đào tạo hoa hậu như thế vào năm 2008 nhưng bất thành.
 
Người đẹp Việt Nam tìm kiếm vị trí cao trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Ảnh: LỆ QUYÊN
Đại diện Elite Việt Nam cho biết: "Những năm gần đây, một số nước trong khu vực Đông Nam Á như: Philippines, Thái Lan, Indonesia đang nổi lên như những cường quốc sắc đẹp mới của thế giới, khi liên tục giành nhiều thành tích tốt tại các sân chơi lớn như: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, Hoa hậu Quốc tế…". Những nước này đã học hỏi kinh nghiệm từ các cường quốc hoa hậu như Venezuela, Colombia hay Ấn Độ từ khâu tổ chức cuộc thi chuyên nghiệp cho đến quy trình chọn lọc thí sinh gắt gao. Quan trọng nhất là việc đào tạo, huấn luyện các người đẹp trong nhiều năm liền. Đây chính là lý do Elite Vietnam quyết định thành lập "lò" đào tạo với quyết tâm tạo dấu ấn cho nhan sắc Việt trên đấu trường thế giới.
Những năm gần đây, dù nhiều đơn vị ở Việt Nam liên tục mua và sở hữu bản quyền quốc gia các cuộc thi hoa hậu nhưng thí sinh trong nước vẫn chưa thực sự gặt hái được thành công. Elite Vietnam cho rằng sau những thất bại, họ đã tìm ra được câu trả lời. Việc mở công ty đào tạo hoa hậu lúc này đã trở nên cấp thiết.
Từ năm 2002, nhan sắc Việt bắt đầu chinh chiến tại các đấu trường nhan sắc thế giới với mật độ ngày càng cao và đạt nhiều thành tích.Các chuyên trang nhan sắc hàng đầu như Global Beauties hay Missosology đều ít nhiều đánh giá cao thí sinh Việt.
Trong khi đó, người đẹp các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan và Indonesia khoảng 5-6 năm gần đây đã cạnh tranh sòng phẳng với người đẹp các nước Nam Mỹ và Bắc Âu. Người đẹp Catriona Gray của Philippines vừa đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018 là bằng chứng thuyết phục.
Cuộc chơi khắt khe, chuyên nghiệp
Chưa ai dám khẳng định một "lò" đào tạo hoa hậu chính thống có thể làm nên những điều gì, cải thiện thành tích thí sinh như thế nào... Thế nhưng, thực tế cho thấy trong hành trình của một hoa hậu, người đẹp phải được đào tạo bài bản và được đội ngũ chuyên nghiệp - nhà thiết kế, chuyên gia trang điểm, thời trang, người mẫu… - hỗ trợ. Những người này cũng phải cực kỳ tâm huyết với chuyện người đẹp Việt có thể ghi danh ở đấu trường nhan sắc thế giới.
Nhà thiết kế Việt Hùng - người gắn liền với các hoa hậu, nhất là hoa hậu Mai Phương Thúy - khẳng định suốt nhiều năm làm "ông bầu hoa hậu", ông không bao giờ nhận một cô gái chỉ mới tốt nghiệp THPT vì bất cứ lý do gì. Ông cũng không bao giờ lấy tiền hay chia giải thưởng của hoa hậu.
"Tôi không cần tiền của họ. Tôi muốn họ được tỏa sáng và sẽ có cách kiếm tiền khác để bù vào chi phí lo cho họ. Sau cuộc thi, có thể tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng hoa hậu nếu thấy họ có tố chất, muốn làm việc thiện, dám bỏ những lợi nhuận để mang đến cho xã hội những giá trị cụ thể từ chiếc vương miện" - nhà thiết kế Việt Hùng cho biết.
Lăn lộn trong giới nhan sắc, nhà thiết kế Việt Hùng cho rằng tình trạng "loạn" thi hoa hậu, danh hiệu người đẹp như hiện nay là bởi các "lò" đào tạo có mục đích khá rõ ràng: "đổi đời" cho người đẹp và kiếm doanh thu cho mình. "Hoa hậu thật sự thì sắc đẹp thôi chưa đủ, người đó còn phải có tính cách ổn định, ôn hòa, biết tiếp thu, mang vẻ đẹp hướng đến cộng đồng" - ông nhìn nhận. Thế nhưng, thực tế cho thấy ngay chính những hoa hậu cũng không làm được điều này.
Điều này cũng lý giải vì sao các người đẹp ồ ạt đi thi, thậm chí thi chui, cốt để tìm cho mình một danh hiệu. Bởi lẽ, đây chính là "cần câu cơm" cho họ kiếm thu nhập - từ việc tham gia sự kiện, quảng cáo... đến bán hàng online. Nếu nghệ sĩ đích thực cần có một sản phẩm để khẳng định khả năng thì người đẹp cần có một danh hiệu để khẳng định vị trí của mình. Vì vậy, dù nhiều công ty đã "tham chiến" trong lĩnh vực đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp nhưng để tạo nên một hoa hậu đúng nghĩa thì thật quá hiếm hoi. 
Nhan sắc thôi, chưa đủ
Riyo Mori (Nhật Bản) - Hoa hậu Hoàn vũ 2007, Trương Tử Lâm (Trung Quốc) - Hoa hậu Thế giới 2007, Pia Wurtzbach (Philippines) - Hoa hậu Hoàn vũ 2015... đều không phải là những người đẹp nhất. Thậm chí, khi đội vương miện, họ phải đối mặt với những chỉ trích rằng "không xứng đáng". Song, tất cả họ đều đủ sức chinh phục công chúng bằng bảng thành tích cá nhân đáng nể.

Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ vừa qua, rất nhiều người đẹp lọt vào top 5 ứng xử đã có phần thuyết trình đầy tính thuyết phục như những chuyên gia lão luyện. Cũng không phải ngẫu nhiên khi 100% câu hỏi ứng xử ở những cuộc thi này lại hướng đến hoạt động vì cộng đồng theo hướng "Cái đẹp cứu rỗi thế giới".

Thùy Trang (Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm