(GLO)- Những năm gần đây, ngành mỹ thuật ở Gia Lai đã gặt hái được khá nhiều thành công với những giải thưởng có giá trị. Đội ngũ họa sĩ trẻ ngày một phát triển, miệt mài lao động sáng tạo, góp phần tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Tại các sân chơi mỹ thuật lớn như: Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm Mỹ thuật khu vực, cùng với các họa sĩ gạo cội Lê Hùng, Hồ Thị Xuân Thu..., đội ngũ sáng tác kế cận và trẻ của Gia Lai đã có thêm nhiều tác giả hình thành được cho mình phong cách sáng tác, thể hiện cái tôi và cá tính trong sáng tạo tác phẩm.
Đó là Mai Quý Ngọc đầy nhiệt huyết và đam mê, rất tích cực, năng nổ trong hoạt động sáng tác. Tranh của anh luôn được đầu tư với khuôn khổ lớn, bố cục chặt chẽ, màu sắc đẹp, hài hòa; hình tượng trong tranh được cách điệu mạnh bạo, dứt khoát. Ấn tượng nhất trong sáng tác những năm qua của anh là các tác phẩm: “Mẹ Tây Nguyên” đạt giải B, “Sức sống đại ngàn” đạt giải C, “Chuẩn bị vào hội” đạt giải B tại Triển lãm khu vực trong liên tiếp 3 năm 2019, 2020, 2021.
Nữ họa sĩ Lê Nguyễn Thảo My vẫn sáng tác đều tay và tiếp tục cho ra đời các tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, giàu chất trang trí với màu sắc vui tươi, trong trẻo. Các mô típ đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên như: cây nêu, nhà mồ, tượng mồ, các hoa văn trang trí… luôn hiện hữu trong các tác phẩm của chị. Tất cả được hòa quyện một cách chặt chẽ, đầy chủ ý, tạo nên một Tây Nguyên hoang sơ, chân chất và mang màu sắc tâm linh. Dấu ấn đáng ghi nhận của chị là tác phẩm “Sắc màu cao nguyên” được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm “Sắc màu Tây Nguyên” của họa sĩ Lê Nguyễn Thảo My. |
Cùng với đó, hội họa Gia Lai còn có những tác giả đã tạo được dấu ấn riêng như: Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Văn Điền, Phạm Thế Bộ, Nguyễn Văn Tiếng... 5 năm qua, họa sĩ Nguyễn Văn Chung đã mạnh dạn thử nghiệm chất liệu khắc gỗ, lụa và tương đối thành công. Tác phẩm “Khát” đạt giải khuyến khích triển lãm khu vực năm 2016, được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020. “Áo trắng vùng cao” đạt giải B, “Phòng dịch vùng cao” đạt giải A tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực V các năm 2017, 2020. Năm 2021, tác phẩm “Ngóng...!” đạt giải ba Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong khi đó, thầy giáo-họa sĩ Nguyễn Văn Điền chắc tay trong kỹ thuật sơn dầu, tinh tế trong bút pháp và sử dụng màu sắc. Năm 2020, tác phẩm “Nhìn lại tuổi thơ” của anh được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam. Còn họa sĩ Phạm Thế Bộ đã tìm được cho mình một hướng đi riêng và khá thành công theo phong cách lập thể. Tranh của anh có sự đầu tư về nội dung, biết chắt lọc hình tượng, quy tất cả vào các mảng, khối hình học theo chủ định và rất công phu tạo nên một vài tác phẩm gây được sự chú ý như: “Hòa tấu”, “Xưởng cơ khí”… Năm 2020, tác phẩm “Hồn núi” của anh đạt giải khuyến khích của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Một gương mặt khác là tác giả Võ Văn Tiếng vẫn đang miệt mài sáng tác và thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau. Nhưng có lẽ khắc gỗ vẫn là chất liệu để lại nhiều ấn tượng với đồng nghiệp và người thưởng lãm. Tranh khắc gỗ của anh kết hợp hài hòa giữa mảng, màu và nét. Mảng hình đẹp, nét khắc tinh tế, một số tác phẩm anh điểm thêm màu để tạo không gian và chiều sâu...
Thời gian qua, lĩnh vực điêu khắc cũng đã tạo được ấn tượng khá rõ nét, có sự phát triển tương đối mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Vinh rất năng nổ, tâm huyết và đam mê với nghề. Các tác phẩm phù điêu và tượng tròn của anh luôn cho thấy chất cảm về nghệ thuật rất tốt với những góc nhìn rất mới, đầy chiều sâu, một kỹ thuật tạo hình, tạo khối rất “tinh” và hiện đại. Đề tài nóng về môi trường, dịch bệnh, những cái nhìn đầy cảm thông và chia sẻ với cuộc sống mưu sinh vất vả, khó nhọc của người dân bản địa, những em nhỏ vùng cao vượt khó để tìm chữ luôn được anh quan tâm và thể hiện rất nhiều trong tác phẩm của mình. Các giải thưởng gần đây như: “Vượt khó” đạt giải B, “Nắm đấm sắt” đạt giải C, “Hạnh phúc vùng sâu” đạt giải khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực V năm 2018, 2020, 2021 đã minh chứng cho tài năng của Nguyễn Vinh.
Tác phẩm "Ngóng" của họa sĩ Nguyễn Văn Chung. |
Nhà điêu khắc Lê Sĩ Soái đã quay trở lại một cách quyết liệt với hình, mảng, khối đặc trưng của ngôn ngữ điêu khắc, chuyên ngành mà anh được đào tạo bài bản. Và sự trở lại khá ấn tượng ấy được đánh dấu bằng các tác phẩm rất hay, đầy chiêm nghiệm như: “Cây cầu quê tôi”, “Hai mặt đen trắng”. Đặc biệt, tác phẩm “Thăng bằng” đã đạt giải C của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2016. Và cuối năm 2020, tác phẩm này đã được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam.
Hy vọng trong những năm tiếp theo, các thế hệ họa sĩ Gia Lai sẽ vẫn giữ mãi được ngọn lửa đam mê, luôn đổi mới tư duy sáng tác và ngày càng thăng hoa trong sáng tạo để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Đồng thời, từng bước phấn đấu đưa phong trào mỹ thuật tỉnh nhà hội nhập và vươn tầm cùng với các tỉnh bạn trong khu vực và cả nước.
NGUYỄN VĂN