Hoài niệm những bước chân xóa mù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian có thể đếm được từng giây, nhưng những bước chân của người làm công tác trồng người thì không thể nào đếm được, trong đó có bước chân của những thầy-cô giáo ở huyện An Khê mấy mươi năm trước.

Đầu năm 1976, tỉnh chủ trương kiện toàn công tác giáo dục vùng sâu, vùng xa, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Một lớp học cấp tốc tại Phòng Giáo dục huyện An Khê được mở ra cho đa phần là học sinh cấp III trong huyện. Ngày bắt đầu nhận việc cũng chính là ngày vui nhất. Chúng tôi được chia ra thành nhiều tổ, mỗi tổ gồm 5 người phụ trách một xã. Tổ chúng tôi được phân công vào xã xa nhất huyện-xã Chơ Long, cách trung tâm huyện An Khê 45 km về phía Nam (xã tách khỏi huyện An Khê từ năm 1988, nay thuộc huyện Kông Chro).

 

Một góc thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro hôm nay. Ảnh: A.S

Ngày ấy, để đến nơi chúng tôi phải đi bộ. Chuẩn bị cho chuyến đi là võng, ba-lô với tư trang cá nhân và thực phẩm, riêng gạo không phải mang theo (ngày ấy chỉ có phụ cấp, không có lương). Phải mất ít nhất là trên 10 tiếng đồng hồ, kể cả nghỉ ngơi dọc đường, chúng tôi mới tới nơi. Hồi ấy đường đi chỉ là một con đường mòn vừa vết chân đi bộ, 2 bên là cỏ lên cao ngập đầu và rừng già phủ tán qua đường. Muốn đến xã phải qua con sông Ba bằng thuyền nan của người chài lưới và những con dốc cao dựng đứng như dốc Bà Bã, dốc Ba Cô. Chúng tôi vừa đặt chân đến UBND xã là vừa xẩm tối. Gặp bác Đinh Thái là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã để trình giấy giới thiệu và được bố trí cho ngủ ở nhà rông. Ngày hôm sau, mỗi người được triển khai xuống 1 làng để chuẩn bị cho ngày khai giảng lớp học đầu tiên. Làng tôi tới là làng Tờ Pé 1. Do đã được báo trước nên khi tôi đến dân làng rất mừng rỡ và bắt đầu cùng nhau chặt cây, đan phên làm trường học.

Qua 2 ngày cật lực, trường hiện ra trước mắt, xung quanh là những nếp nhà sàn và cây rừng khoe tán. Gọi là trường nhưng thật ra chỉ là một lớp học lợp tranh 40 chỗ ngồi. Bàn ghế làm bằng lồ ô, chân bàn, ghế chôn sâu xuống nền đất. Lớp học đầu tiên của tôi diễn ra vào lúc 6 giờ sáng và tan lớp sau đó 3 tiếng đồng hồ để học sinh còn đi lên rẫy. Lớp tập trung rất đông người nhưng chỉ mươi em đúng độ tuổi, còn lại đa phần là lớn tuổi. Lúc đầu tôi cứ tưởng đó là phụ huynh đi dự khai giảng, nào ngờ khi ghi tên điểm danh mới tá hỏa vì có người còn nhiều tuổi hơn mình!

Sáng hôm sau, để chuẩn bị cho buổi học mới, tại sân nhà rông các học sinh tụ tập rất đông, mỗi người một chén gạo đựng trong tay áo túm lại mang tới, có người thì mang cả trái bí, gùi rau rừng. Đó là những sản phẩm lương thực nuôi chúng tôi hàng ngày ở đây. Lúc đầu giáo viên được bố trí ở nhà rông, nhưng sau đó dân làng làm thêm một ngôi nhà tranh tre gần trường học cho giáo viên ở, gọi là nhà giáo viên.

Suốt nhiều tháng ròng rã, tôi sáng lên lớp, chiều lên rẫy cùng dân làng động viên những học sinh bỏ học. Do ngôn ngữ bất đồng nên khi đi lúc nào tôi cũng dẫn theo một anh “thông ngôn” là bộ đội về làng để vận động. Dần dần tôi tìm hiểu học tiếng Bahnar, chỉ trong tháng đầu chúng tôi đã nói được những từ thông dụng, đủ dùng trong giao tiếp hàng ngày.

Hôm ấy, bỗng học sinh sáng sớm đến lớp khiêng theo những cành phong lan nghinh xuân hoa nở rực rỡ, hương thơm ngào ngạt. Xung quanh lớp học là những cành phong lan đủ sắc màu treo lủng lẳng gần kín 2 bên tường. Tôi sực nhớ ngày này là đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Đó là kỷ niệm mà tôi không thể nào quên trong suốt cuộc đời dạy học.

Nay nhìn lại đã trên 40 năm trôi qua, những ngôi trường khang trang mọc lên, đường bê-tông phẳng lỳ, từ trung tâm huyện đến làng chỉ mười lăm phút đi xe. Và lớp người được xóa mù thời ấy có người đã giữ cương vị chủ chốt các ban ngành ở huyện, xã; có người nay cũng đã về hưu. Trẻ em hôm nay áo trắng khăn quàng đỏ nhịp nhàng đông đúc, thẳng tắp xếp hàng theo tiếng trống trường mỗi sáng. Những đổi thay ấy đã minh chứng cho những tấm lòng yêu nghề, hết lòng cho sự nghiệp giáo dục ngày ấy, để từ đó hình thành nên một lớp người kế tục xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.

An Sinh

Có thể bạn quan tâm