Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Hoài niệm Tết xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ những người cao tuổi luôn nhớ Tết xưa, mà trẻ thuộc thế hệ Gen Y, Z cũng hoài niệm về Tết với những hương vị, sắc màu, phong tục đậm chất Việt Nam.
Chợ hoa Tết luôn thu hút người dân đến tham quan, chiêm ngưỡng và chụp hình lưu những khoảnh khắc bên người thân. Ảnh: LÂM VIÊN

Mỗi khi nhắc đến Tết là tự dưng lại có một cảm giác nôn nao, rạo rực khác thường. Dù ở độ tuổi nào đi nữa, con người ta cũng đón nhận Tết với tâm thế của niềm vui chờ đợi, hồi hộp, náo nức. Hương vị Tết xưa trong ký ức của nhiều người là đi chợ Tết, hộp mứt Tết, nồi bánh chưng xanh, là những ngày giáp Tết được thức thâu đêm luộc bánh, háo hức đợi chờ trong ánh lửa bập bùng và mùi khói quyện trong vị Tết.

Tôi từng nghe ai đó nói rằng, những ngày gần Tết mới thực sự là Tết. Trong tác phẩm “Ngày mai của những ngày mai”, tác giả Nguyễn Ngọc Tư viết về Tết như thế này: “Thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào...”.

Những buổi chợ ngày ba mươi Tết bao giờ cũng rộn ràng kẻ bán, người mua, nhất là các khu chợ lớn trung tâm như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới. Dẫu bây giờ xã hội có hiện đại đến đâu, niềm vui được đi chợ Tết vẫn cứ trọn vẹn và được giữ nguyên như nhiều năm trước. Người ta vẫn cứ phải ra chợ để sờ, nhìn, ngửi và nếm thử tất cả các thứ bày bán ở chợ, tìm một cảm giác rất mới mẻ mà chỉ riêng ngày Tết mới có. Điển hình như mẹ tôi, nội tôi, không thể đếm xuể số lần những người phụ nữ này đi chợ bao nhiêu lần trong ngày ba mươi Tết. Họ không đơn thuần là đến chợ để mua sắm mà qua đó họ còn thăm hỏi nhau Tết năm này nhà cô/chú/bác/anh/chị chuẩn bị được những gì kèm những lời chúc mừng năm mới sớm. Và thậm chí nhiều người không có nhu cầu sắm sửa nhưng vẫn rất thích lội chợ Tết, có lẽ là muốn ngắm nhìn, được lắng nghe chút không khí của ngày xưa…

Rồi những cái đêm ba mươi tối trời, bọn trẻ con trong xóm tôi rủ nhau ríu rít chơi đùa sau một ngày dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, khoe quần áo mới và háo hức vô cùng mong sao cho trời nhanh sáng để mồng Một được diện đồ chơi Tết. Trong không khí yên bình của đêm, những đêm ba mươi cứ làm tôi nhớ mãi, nhất là khi cả bọn trong xóm cùng nhau đi hái lộc xuân. Cứ canh trước Giao thừa ai về nhà nấy. Khi nội tôi thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, cả nhà trầm lặng trong mùi nhang phảng phất. Mọi người cùng hướng về một năm mới với bao hy vọng ngập tràn.

Với tôi, Tết là những ngày tất bật dọn dẹp cùng ba, là những buổi xôn xao dạo chợ với mẹ, là hòa cùng không khí chộn rộn chuẩn bị món này, thức kia của nội. Tết năm nào nội tôi cũng tự tay ra chợ mua kiệu, đu đủ về làm dưa món, củ kiệu dầm chua; lá chuối, lá dong gói bánh tét, bánh chưng cho có không khí Tết trong nhà. Hơn nữa, nội tôi là người Huế chính gốc nên bà biết làm nhiều loại bánh, mứt truyền thống. Đặc biệt là bánh thuẫn, loại bánh mà anh, chị, em chúng tôi thích nhất trong khay bánh, kẹo, mứt Tết nhà nội. Mà nghĩ cũng lạ, hình như bao nhiêu món ngon đều có hẹn với mùa xuân.

Như ông cha xưa đã đúc kết: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Thời nay, không cần đợi đến Tết mới được ăn bánh chưng, bánh tét mà bất kể lúc nào muốn ăn thì chỉ cần ghé chợ hay siêu thị. Ấy vậy mà bánh tét, bánh chưng ngày Tết mang đến một hương vị khác biệt. Hẳn đó là hương xuân và vị sum vầy, đoàn viên của mỗi gia đình, thứ mà chẳng thể tìm thấy trong tất bật ngày thường.

Tôi sinh ra và lớn lên ở phố nhưng may mắn Tết năm nào cũng được cùng nội chuẩn bị những món ăn truyền thống, trải nghiệm thức đêm canh nồi bánh tét và nghe ông bà nội kể chuyện “hồi xưa” trong khi chờ bánh chín. Có những câu chuyện cũ năm nào cũng kể đến nỗi con cháu thuộc lòng nhưng vẫn thích nghe. Còn với anh chị em nội, ngoại chúng tôi thì được dịp hàn huyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, người kể, người cười, không khí cả nhà rộn ràng, ấm áp và hạnh phúc vô cùng. Tôi thật sự trân trọng khoảng thời gian đó bởi đó là những khoảnh khắc quý giá nhất, kỷ niệm của một thời thơ dại của mỗi thành viên trong gia đình. Nội tôi hay nói: “Ngày Tết làm chi thì làm, phải nấu nồi bánh chưng, bánh tét để trước thì cúng ông bà, sau thì con cháu hưởng. Rồi có như rứa thì cả nhà sum vầy chớ trong năm tụi bây đứa đi học, đứa đi làm, dễ gì tụ tập đông đủ”.

Cái cảm giác cả nhà quây quần để cùng gói bánh tét, bánh chưng, sên một chảo mứt, làm một món ăn ngày Tết… không chỉ là những chia sẻ tràn ngập sự yêu thương, gắn bó của một gia đình, mà còn là một thứ ký ức mà theo thời gian tạo nên những vệt màu tuyệt đẹp. Bây giờ thì sẽ không còn có được cảm giác này nữa bởi sức khỏe nội tôi cũng yếu dần. Kể từ dạo đó nhà tôi cũng dần vắng bóng sự tất bật, rộn ràng chuẩn bị nguyên liệu để làm những món ăn đặc sản ngày Tết.

Có lẽ vậy mà nhiều người than thở, Tết bây giờ nhạt lắm, không bằng Tết xưa, trong đó có tôi. Tôi vốn dĩ là đứa thích những giá trị truyền thống nên là vài năm trở lại đây hễ nghe nhà nào trong xóm nấu bánh tôi đều xin “một chân” canh nồi bánh để sống lại trọn vẹn những ký ức tuổi thơ của mình. Thật lòng mà nói, ngày nay, Tết đã có nhiều đổi thay. Khó có thể bắt gặp hình ảnh cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét hay những chảo mứt thơm lừng.

Mọi thứ giờ đây thật đơn giản nhẹ nhàng. Chỉ cần ngày cận Tết, chạy ra cửa hàng mua dăm ba ký thịt, một chút bánh mứt hạt dưa, vài cặp bánh chưng, ít đòn bánh tét. Nhưng không phải vì vậy mà Tết kém phần rộn ràng, náo nức, chỉ cần các thành viên trong gia đình cùng quây quần, sum vầy bên bữa cơm, tràn ngập tiếng cười. “Dù ai buôn bán nơi đâu. Nhớ ngày Tết đến rủ nhau mà về”. Tết Nguyên đán là khoảnh khắc thiêng liêng, mang lại cảm giác hạnh phúc của sự sum vầy.

Tết nay như một sự giao thoa giữa những hoài niệm và nét hiện đại của cuộc sống. Nhớ về Tết xưa để biết gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông qua nhiều thế hệ, để những điều đẹp đẽ không bị mất đi, mà vẫn tiếp tục hiện diện trong mỗi gia đình ngày nay, nuôi nấng tâm hồn những người trẻ, trở thành sợi dây kết nối thế hệ trong những ngày Tết sum họp, đoàn viên.

Theo THIÊN AN (baodanang.vn)

Có thể bạn quan tâm