Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

“Biến đám cháy thành pháo hoa”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là cách nói rất hình ảnh về khả năng chấp nhận thực tại không như ý và biến nó thành một phiên bản khác của sự tỏa sáng. Không chỉ là nghị lực vượt khó, đây còn là câu chuyện đẫm chất nhân sinh.

1. Những ai mê gốm sứ, yêu văn hóa Nhật Bản đều biết đến nghệ thuật kintsugi-phục chế gốm vỡ xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước. Trong tiếng Nhật, kintsugi có nghĩa là “dùng vàng để hàn gắn”.

Với những chiếc bình, chén quý chẳng may bị vỡ, các nghệ nhân tài hoa phủ bột vàng nhằm kết nối các mảnh rời rạc trở thành một chỉnh thể mang vẻ đẹp hoàn toàn mới lạ. Mỗi tác phẩm hồi sinh là một phiên bản “có một không hai”, thậm chí sang trọng và đắt giá hơn. Đơn giản chỉ là tôn vinh thay vì che giấu các vết nứt vỡ hay vứt vào thùng rác.

Vì lẽ đó, nghệ thuật kintsugi chuyển tải một quan điểm triết học kinh điển của người dân đất nước mặt trời mọc-triết lý wabi-sabi. Quan điểm này giúp con người dễ dàng chấp nhận các khiếm khuyết tất yếu để hướng đến “vẻ đẹp không hoàn hảo”. Nhìn thấy cái đẹp trong tất cả chính là tinh thần chủ đạo của triết lý này.

123-5721.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tương tự, trước câu hỏi: “Bạn sẽ trồng gì trong một chậu cây bị vỡ?”, nhiều chiếc chậu, bình, ấm trà sứt mẻ đã được các nghệ nhân cây cảnh biến thành chỗ trồng sen đá đẹp mắt.

Những đóa sen xanh mướt tuôn đổ như thác từ khoảng trống do nứt vỡ nơi vỏ bình tạo ra hiệu ứng thị giác đẹp mắt, không trùng lắp. Bởi trong muôn ngàn vết vỡ vụn, chẳng cái nào giống nhau.

2. Không chỉ trong thực hành nghệ thuật, quan điểm “biến đám cháy thành pháo hoa” còn là tuyên ngôn sống tích cực, biến khó khăn thành cơ hội. Câu chuyện của Hoa hậu Colombia 2011 Daniella Álvarez là một ví dụ.

Tháng 6-2020, do biến chứng động mạch sau phẫu thuật, Daniella Álvarez phải chấp nhận cưa bỏ một phần chân trái. Với một hoa hậu mà nói thì đây là cú sốc rất khó chấp nhận và vượt qua.

Tuy vậy, thay vì chìm đắm trong khủng hoảng cá nhân, Daniella Álvarez sau đó chia sẻ rằng cô nhận ra mình hạnh phúc vì không bị cắt cụt hoàn toàn, vẫn có thể dùng chân giả. Người ta nhìn thấy Daniella Álvarez tự tin lên ảnh bìa tạp chí với chiếc chân vừa được lắp vào cơ thể, nhận show quảng cáo, làm giám khảo các cuộc thi nhan sắc, chạy bền 10 km…

Cô tự hào khi truyền cảm hứng sống lạc quan, trích thu nhập hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật. Và, Daniella Álvarez tỏa sáng một vẻ đẹp khác, đó là vẻ đẹp của sự lạc quan và nghị lực phi thường.

Gần đây nhất, từ cơn khủng hoảng của đại dịch Covid-19, nhiều người hiểu ra rằng: Cùng với những mất mát khó bù đắp, thời gian giãn cách là cơ hội để các thành viên trong gia đình gần gũi nhau hơn, dành cho nhau tối đa thời gian yêu thương, chia sẻ thay vì quay cuồng với nhịp sống ngày thường. Những đứa con tha phương lập nghiệp nhận ra quê hương, gia đình là điểm tựa vững chãi hơn bao giờ hết. Một sự gắn kết từ đứt gãy.

Dường như mỗi rạn vỡ, mỗi nỗi đau đều mang một vẻ đẹp, một giá trị nào đó nếu ta thay đổi cách nhìn, cách cảm. Điều đó khiến con người sáng ra rằng chuyện xảy ra không quan trọng bằng cách ta ứng xử với nó. “Đám cháy” hay “pháo hoa” chỉ phản ánh sự khác biệt ở lối tư duy.

Đôi khi căn nguyên của đau khổ hằn lên từ việc không chấp nhận tổn thương, từ chối sự thiếu hoàn hảo. Đâu hay, những va đập ấy làm nên sức mạnh bản thể, làm nên sự hoàn thiện và đẹp đẽ riêng trong tâm hồn mỗi người.

Cũng như nghệ thuật kintsugi, ta yêu từng “vết nứt cuộc đời” để rồi làm cho chúng trở nên đáng giá. Có lẽ ai trong chúng ta rồi cũng phải thừa nhận rằng không gì lấp lánh hơn vẻ đẹp của sự chân thật.

Trong đoạn kết của cuốn sách “Đối thoại với thiên thần” từng phát hành đến hơn 100.000 bản của tác giả Kokusai Un (Nhật Bản), người viết tự sự: “Nếu đón nhận dáng vẻ tự nhiên của bản thân thì sẽ tìm được hạnh phúc. Con người ta vì sợ những nhận định và ý kiến chủ quan của người khác mà liên tục dặm thêm lớp “trang điểm” để che giấu “khuôn mặt mộc” của mình. Nỗ lực trang điểm này cũng đồng thời biến họ thành con người khác và phải gò ép bản thân để duy trì vỏ bọc ấy. Nhưng trở về với bản chất thì lại không đòi hỏi sự cố gắng nào. Bạn có nhiều thời gian và tự do hơn để tận hưởng cuộc sống”.

Có thể bạn quan tâm