Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Nhìn lưng, biết người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi nhớ mãi những chuyến đi bộ đường dài với má thuở nhỏ. Từ nhà tôi lên nhà ngoại, hoặc từ nhà ngoại ngược trở về nhà tôi… sáu - bảy cây số.

Cuộc đời con thơ luôn thấy hình bóng tấm lưng ba, lưng mẹ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cuộc đời con thơ luôn thấy hình bóng tấm lưng ba, lưng mẹ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nếu đi đường thủy thì chèo xuồng vòng vèo cũng cả ngày mới tới. Còn nếu đi đường bộ thì nhanh hơn, nhưng lại không có phương tiện gì ngoài đôi chân. Cứ vậy, má bước sấp sải phía trước, còn tôi lúp xúp bước theo sau. Con nít hoặc là ham chạy nhảy, nên luôn chạy trước má, hoặc bị thu hút bởi cây hoa lá bên đường, nên dừng lại khám phá thật lâu. Lúc nào má cũng kiên nhẫn đứng chờ. Luôn dặn dò khi mặt đường bốc lên hơi nóng hổi, rằng phải bước vào trong cỏ để khỏi phỏng chân.

Chắc có lẽ nhờ đi sau lưng má, nhìn má từ tấm lưng gầy, tôi thương quá chừng. Một tay má giữ thúng gạo nặng đội trên đầu, một tay xách giỏ áo quần. Tôi còn quá nhỏ, có tiếp giúp gì được má đâu, ngoài xách đôi dép nhựa cho đỡ phồng chân. Vậy mà nhìn từ tấm lưng, tôi lại hình dung gương mặt nghiêm trang và phảng phất buồn của má. Có cái gì đó lặng lẽ và chịu đựng lúc nhìn lưng má. Tấm lưng giấu trong mảnh áo bà ba, nhìn vừa buồn, vừa như gồng lên khổ sở. Có lẽ, nó ứng với cuộc đời má đang mang, mà mãi sau này lớn lên, tôi mới thấu hiểu được.

Trong tâm trí tôi còn có tấm lưng còng của nội. Từ lúc tôi còn nhỏ xíu đã thấy nội còng lưng. Đứng quét sân cũng còng lưng, làm bếp cũng còng lưng. Hồi nhỏ, tôi cứ thắc mắc, sao nội có thể đứng khom hoài vậy, không mỏi lưng sao. Nội mắng yêu tôi: tới một lúc tuổi già, tự nhiên lưng gối bỗng nhiên không còn thẳng nữa. Vết tích của thời gian quét qua nội với bao nhiêu là nhọc nhằn, bao nhiêu là gánh vác. Nhưng nội lại luôn nhắc con cháu mình phải đứng thẳng lưng, đừng chịu cúi đầu lười nhác, hay khom lưng để sống hèn. Nội nói, có cực khổ đến mấy, dù rằng tấm lưng còng chỉ dấu của thời gian và tuổi tác, nội không thể thay đổi được, nhưng nội vẫn tự hào vì mình lương thiện và trung thực. Hồi nhỏ, tôi dễ dàng gật đầu vâng dạ và hứa hẹn, rằng lớn lên, sẽ sống mạnh mẽ và thẳng thớm như cây. Nhưng lớn lên rồi mới biết, “chân lý tấm lưng” của nội khó thiệt, nội ơi.

Cũng vậy, tôi nhớ lần đầu, mà cũng là lần duy nhất, tôi được ba cõng trên lưng. Đó là lúc ba đưa tôi xuống tàu về nhà, khi má phải nằm ở bệnh viện tỉnh dài ngày. Thuở nhỏ, ba ít khi ở nhà, nên chúng tôi rất xa cách với ba. Nhưng lần duy nhất ở trên lưng ba, tôi lại thương quá cái mảnh lưng ruột thịt. Niềm mơ ước về một thứ tình cảm thiêng liêng trở thành nỗi đau đáu, và khoảnh khắc duy nhất đó thành khoảnh khắc vĩnh cửu của cuộc đời. Sau này, lúc đưa ba tôi vào phòng mổ, nhìn tấm lưng che qua cái áo bệnh viện rộng thùng thình, tôi bàng hoàng nhận ra, cái tấm lưng đó chứa nỗi cô đơn mênh mông.

Còn có tấm lưng để ta dựa vào lúc thổn thức. Có tấm lưng vững chải chở che, mà chỉ cần nhìn thấy là an tâm, là bao sóng gió như dừng lại. Hẳn đó là tấm lưng của vợ, của chồng. Tấm lưng để người yêu người, có bết mồ hôi xuyên qua làn áo cũ, vẫn thấy thương. Mỗi lần nhìn lưng là thấy nhớ người. Đâu có ai tự nhìn thấy lưng của mình. Thành ra dường như cảm xúc mà ta cố gắng giấu đi: những nỗi buồn đau, những điều tuyệt vọng, cả những niềm hy vọng nhỏ nhoi…, phải chăng, lại hiện ra rất rõ ở phía sau lưng.

Và cũng vậy, bao nhiêu là sự thật không thể thấy được ở trước mặt, mà sự thật lại nằm hết phía sau lưng.

Theo MINH PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm