Hoạt động Đoàn ở nông thôn Gia Lai: Thiếu sức hút

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thanh niên nông thôn (TNNT) có nhiều đóng góp cho xã hội trên các mặt kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự. Song ở nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, chưa có nhiều hoạt động để thu hút thanh niên…    

Thanh niên nông thôn chiếm 25% trên tổng số gần 300 ngàn thanh niên toàn tỉnh, nhưng những hoạt động dành cho thanh niên còn khá khiêm tốn. Đa phần các hoạt động còn mang tính bề nổi như: Sinh hoạt chi đoàn (thường là bắt buộc), giao lưu văn hóa- thể thao. Nhiều nơi hoạt động chỉ rầm rộ vào các ngày lễ lớn, sau đó chìm nghỉm.

Cần chuyển giao khoa học công nghệ cho ĐVTN nông thôn. Ảnh: Ngọc Vũ
Theo một số cán bộ đoàn, một phần nguyên nhân do nguồn kinh phí “rót” cho đoàn quá hạn chế. Kinh phí mỗi chi đoàn thôn, làng nhận được là 2 triệu đồng/năm/tất cả các hoạt động. Trong khi, muốn thu hút, tạo sân chơi cho thanh thiếu niên, Đoàn cần tổ chức rất nhiều hoạt động. Một cán bộ Đoàn trăn trở: “Chúng tôi rất muốn tổ chức giao lưu bóng đá giữa các làng nhân dịp sinh nhật Đoàn, hoặc tổ chức giao lưu văn nghệ để chào mừng ngày lễ lớn của đất nước nhưng không thể “giải” được bài toán kinh phí nên kế hoạch vạch ra xong chỉ để trên giấy…”.

Năm 2011 được chọn là “Năm thanh niên”, hầu hết các cơ sở đoàn đều có kế hoạch hành động với những phần việc, công trình thanh niên cụ thể. Xong cho tới thời điểm này, một số nơi vẫn chưa hoàn thành kế hoạch đề ra từ đầu năm vì không tìm được nguồn kinh phí. Phần lớn tổ chức đoàn tự xoay sở kinh phí để tổ chức các phong trào, từ việc “xin” chính quyền địa phương, đến các tổ chức kinh doanh đứng chân trên địa bàn. Nhưng để vận động được nguồn này tiêu tốn thời gian, nhiều thủ tục rườm rà, nhất là cần “thủ lĩnh” đoàn tâm huyết. Trong khi đó, phụ cấp cho cán bộ làm công tác đoàn chỉ vỏn vẹn 700 ngàn đồng/tháng, quá thấp để họ bỏ tâm huyết gắn bó với phong trào, chưa kể nhiều người sớm “ chia tay” với phong trào để đi tìm công việc khác giúp họ ổn định kinh tế.

Cần lắm nhiều hoạt động vui chơi cho thanh niên nông thôn. Ảnh: Ngọc Vũ
Các cách thức gây quỹ để hoạt động như đổi công, làm thuê cho các vườn cà phê, cao su… chỉ đủ trang trải cho một số hoạt động nhỏ. Hầu hết, ĐVTN nông thôn là lao động chính của gia đình, họ buộc phải quan tâm đến cuộc sống của gia đình nên ít có điều kiện tham gia vào tổ chức. Nhiều nơi, hoạt động phong trào rập khuôn, khô khan nên không tạo được sự hứng thú cho ĐVTN khi tham gia.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (25 tuổi)- ĐVTN Chi đoàn xã Ia Băng (Chư Prông) cho biết: “Đoàn Thanh niên xã hoạt động rất ít, chỉ những ngày kỷ niệm và dịp lễ lớn mới thấy đoàn tổ chức sân chơi, còn lại quá ít những hoạt động vui chơi cho chúng tôi. Riêng tôi gặp khó khăn trong việc vay vốn lập nghiệp, nhưng vì gia đình tôi đã vay trước đó nên tôi không được vay nữa vì chung hộ khẩu. Nhiều ĐVTN cũng có có ý tưởng và nhiều sáng kiến phát triển kinh tế khá hay nhưng cũng rơi vào trường hợp tương tự như gia đình tôi nên chỉ vay tiền người thân”.

Anh cho rằng, muốn phong trào đoàn ngày càng mạnh thì ít nhất cần trang bị nhiều kỹ năng, nâng cao nhận thức cho ĐVTN nông thôn, tạo điều kiện tốt nhất để thanh niên có thể bứt phá. Ở nông thôn rất cần các chương trình hỗ trợ, tập huấn kỹ năng và hỗ trợ kinh phí để có điều kiện vay vốn để phát triển kinh tế bền vững. Khi đời sống ổn định thì phong trào đoàn mới lớn mạnh”. Thanh niên nông thôn là lực lượng xung kích cho sự phát triển và xây dựng nhiều chương trình mục tiêu quốc gia nhưng đến nay, những hoạt động dành cho họ vẫn thiếu sức hút, chưa xứng tầm.

Anh Nguyễn Minh Trưởng- Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Với số lượng ĐVTN nông thôn chiếm tỷ lệ lớn, hướng về nhiệm vụ mục tiêu năm, Tỉnh đoàn phối hợp cùng với các ban ngành mở nhiều lớp dạy nghề đào tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, nhất là ĐVTN dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa giải quyết việc làm trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Ngoài ra, phối hợp với Ngân hàng Chính Sách và Xã hội giải quyết cho thanh niên vay số tiền gần 200 tỷ đồng góp nhau phát triển kinh tế.

Tăng cường hoạt động cơ sở, xây dựng địa phương tốt là một trong 10 nhiệm vụ chính, kết hợp mở nhiều lớp tập huấn nâng cao những kiến thức kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ “đầu tàu” góp phần đưa nhiều tổ chức cơ sở lớn mạnh để có nhiều đóng góp cho xã hội.

Ngọc Vũ

Có thể bạn quan tâm