Học sinh nên cân nhắc khi lựa chọn hướng đi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 6-7, Gia Lai đã công bố kết quả thi THPT Quốc gia 2017. Theo quy định, hôm nay (7-7) là hạn chót để 63 tỉnh, thành trong cả nước công bố kết quả kỳ thi quan trọng này. Sau khi có kết quả, nhiều thí sinh chính thức có cơ hội bước vào giảng đường đại học, cao đẳng để tiếp tục trau dồi kiến thức. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít học sinh buộc phải tạm gác giấc mơ đèn sách để tìm hướng đi khác cho cuộc đời mình.
 

Ảnh minh họa

Tạm biệt mái trường phổ thông để bước vào chặng đường mới, hầu hết các em học sinh đều có chung cảm giác lo âu. Đối với các em có cơ hội vào trường đại học, cao đẳng thì thường trực câu hỏi không dễ trả lời: Liệu có đủ điểm để vào ngôi trường mơ ước không? Sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có tìm được việc làm phù hợp không? Đặc biệt, sự “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước” một lần nữa hiện hữu khi năm nay Bộ Giáo dục-Đào tạo cho phép điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất bắt đầu từ ngày 15-7. Đối với những thí sinh có điểm thi đạt thấp thì lại càng “đau đầu” hơn. Bởi lẽ, phía trước họ, cũng có nhiều cơ hội nhưng không hề dễ dàng để lựa chọn.

Sở dĩ chúng tôi đặt vấn đề lựa chọn là bởi lâu nay có không ít học sinh sai lầm trong việc tìm hướng đi cho riêng mình. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã không cân nhắc kỹ càng cho bước đi tiếp theo. Một số phụ huynh và học sinh xem đại học là bậc học “cấp bốn”. Do đó, với họ, việc vào đại học là đương nhiên. Nếu không vào được các trường đại học công lập thì chọn tư thục; không vào được trường danh tiếng thì chọn nơi làng nhàng. Bên cạnh đó, cũng có học sinh thiếu nghiên cứu về ngành học nên “chọn lụi” một ngành nào đó. Điều này dễ dẫn tới hệ lụy là các em chọn ngành, trường không phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội. Hậu quả, mỗi năm cả nước có hàng chục ngàn sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động có trình độ và tay nghề cao.

Cũng vì tâm lý phải vào đại học bằng mọi giá nên mảng đào tạo nghề lâu nay ít được xã hội coi trọng. Nhiều trường dạy nghề uy tín nhưng “đói” học viên, trong khi các lớp đại học tại chức, liên thông, liên kết lại “đắt như tôm tươi”. Trên thực tế, nhiều sinh viên trường nghề sau khi tốt nghiệp đã có việc làm, thu nhập ổn định, cá biệt có không ít người khởi nghiệp thành công.

Một vấn đề nữa thiết nghĩ cũng cần đề cập đó là nhiều em học sinh, sinh viên hiểu rất lơ mơ về thị trường lao động. Với một số phụ huynh, học sinh, vào đại học là để “làm quan”. Do đó, khi chọn ngành, chọn trường, họ thường chỉ chăm bẵm một suất trong bộ máy nhà nước. Họ đâu hiểu rằng biên chế nhà nước là có hạn, chỉ có thị trường lao động ngoài xã hội mới là cánh cửa đang chào mời, đón đợi.

Năm 2017 là Năm Quốc gia khởi nghiệp. Trong tương lai không xa, số lượng doanh nghiệp trong cả nước sẽ tăng lên đáng kể. Theo đó, nguồn lao động chủ yếu sẽ thuộc về các doanh nghiệp. Nếu đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thì người lao động sẽ có nhiều cơ hội việc làm. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các em học sinh cần nắm bắt xu thế phát triển của thị trường lao động để có sự lựa chọn phù hợp.

Duy Lê

Có thể bạn quan tâm