Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu một thực tế hiện nay, “người lớn đã đi làm nhưng trẻ em vẫn chưa được đến trường”, và cho rằng sự thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà.
Một phụ huynh hướng dẫn con học trực tuyến. Ảnh: Lao Động |
Đó là nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 10.11 rất được dư luận quan tâm. Bởi vì rất nhiều phụ huynh có con đi học đang phải xoay xở để giải quyết chuyện "con cái đi học, cha mẹ đi làm" sao cho hài hòa.
Báo Lao Động ngày 9.11 có bài "Công nhân mong con được đến trường từng ngày", phản ánh tình trạng nhiều công nhân phải bỏ con nhỏ ở nhà để đi làm với tâm lý bất an.
Anh chị em công nhân đều có chung đề xuất, đó là chỉ khi con cái đến trường học hành thì cha mẹ mới yên tâm vào nhà máy lao động sản xuất.
Không chỉ là công nhân trong các khu công nghiệp, mà cán bộ công chức, viên chức, nhân viên văn phòng, khổ sở vì không biết xử lý như thế nào chuyện học của con cái. Không thể toàn tâm toàn ý với công việc khi bỏ con ở nhà.
Đô thị có sự nguy hiểm của đô thị, nông thôn có rủi ro của nông thôn. Nhiều trẻ em bị đuối nước, có trường hợp trong nhà có mấy chị em cùng bị đuối nước. Đó là điều ai cũng lo lắng, nguy hiểm vì dịch chưa thấy, các mối nguy hiểm khác còn cận kề hơn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, không vì lo lắng quá mức mà hạn chế học sinh trở lại trường.
Về chuyện trẻ em chưa tiêm vaccine, quan điểm của Bộ Y tế rất rõ ràng, đó là Việt Nam chỉ tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Trẻ từ 5 tuổi - 11 tuổi không thể đợi chờ có vaccine mới cho đến trường. Rủi ro ở lứa tuổi này không cao như ở người lớn.
Bộ trưởng nói như vậy, nhưng nhiều địa phương cũng rất thận trọng, chưa cho mở cửa trường.
Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội sáng 11.11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm, hiện nay người lao động đang rất cần phải mở lại trường học, nhất là mẫu giáo và tiểu học. Vì đa phần công nhân có con nhỏ ở độ tuổi này.
Lo cho học sinh đến trường, chính là giải quyết một phần khó khăn cho người lao động, và cũng là giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực hiện nay.
Chưa kể, đang xảy ra hiện tượng bị chấn thương tâm lý, trầm cảm đối với trẻ em vì học trực tuyến kéo dài. Mở cửa trường sớm cũng là cách để điều trị các chứng bệnh tâm lý cho học sinh.
LÊ THANH PHONG (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/hoc-truc-tuyen-keo-dai-phu-huynh-va-hoc-sinh-deu-kho-972837.ldo