(GLO)- Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai-Kon Tum được thành lập ngày 18-10-1978 theo Quyết định số 79/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum, đánh một dấu mốc quan trọng để từ đây tỉnh ta có một tổ chức hoạt động nhân đạo chuyên nghiệp.
Những thành tựuđáng tự hào
40 năm là thời gian không dài so với tiến trình lịch sử của tỉnh và của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhưng là cả một quá trình phấn đấu, cống hiến đầy gian khổ, thử thách của các thế hệ cán bộ, hội viên, thanh-thiếu niên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Trong quá trình hoạt động và phát triển, Hội Chữ thập đỏ tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đây là cơ sở, chỗ dựa vững chắc để các cấp Hội vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, phát huy tinh thần thiện nguyện, chia sẻ với nỗi đau của nạn nhân chiến tranh, đồng bào vùng bị thiên tai, vùng dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Kể từ khi thành lập đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã trải qua 6 kỳ đại hội; mỗi kỳ đại hội đều đánh giá những bước trưởng thành, lớn mạnh của tổ chức Hội, đồng thời mạnh dạn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, yếu kém và rút ra các bài học kinh nghiệm. Trong quá trình phát triển, công tác xây dựng tổ chức Hội luôn được quan tâm: từ chỗ chỉ có 5 người trong cơ quan Thường trực Hội cấp tỉnh, còn cấp huyện và cơ sở chưa có tổ chức Hội, chưa có hội viên thì đến nay, tổ chức Hội đã được hình thành ở cả 3 cấp, 100% thôn, làng, tổ dân phố đều có chi hội Chữ thập đỏ. Tổ chức Hội cũng được thành lập ở nhiều trường học, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao nhà “Chữ thập đỏ” cho gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Chư Pah. |
Tính đến tháng 12-2017, toàn tỉnh có 64.811 hội viên và 21.824 thanh-thiếu niên Chữ thập đỏ trường học. Đội ngũ cán bộ Hội các cấp ngày càng nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Nhận thức về vai trò của Hội Chữ thập đỏ các cấp và công tác nhân đạo trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực; công tác liên kết, phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ với các cấp, các ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể nhân dân trong các hoạt động nhân đạo có bước phát triển; công tác đối ngoại trong hoạt động nhân đạo có những chuyển biến tích cực.
Hội Chữ thập đỏ các cấp đã thể hiện vai trò nòng cốt, là cầu nối và điều phối trong các hoạt động nhân đạo. Từ chỗ chủ yếu cấp phát hàng cứu trợ, đến nay, hoạt động nhân đạo đã đượcđđa dạng hóa thông qua thực hiện 7 lĩnh vực hoạt động được quy định trong Luật Hoạt động Chữ thập đỏ. Từ đó, Hội đã xây dựng nhiều mô hình mới, triển khai nhiều chương trình, dự án do quốc tế tài trợ; việc liên kết hoạt động với các tỉnh bạn ngày càng có hiệu quả. Các cấp Hội cũng đã triển khai tốt các phong trào, cuộc vận động lớn do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, tạo sức lan tỏa và được các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng.
Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, chúng ta rất đỗi tự hào về những thành tựu đã đạt được của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đó là quá trình phấn đấu, rèn luyện và cống hiến của toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh-thiếu niên Chữ thập đỏ toàn tỉnh, cùng với sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức từ thiện trong tỉnh, trong nước và bạn bè quốc tế. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Hội Chữ thập đỏ tỉnh suốt 40 năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đã ghi nhận, tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, Hội đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba (năm 2001) và Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2015).
“Chữ thập đỏ vì mọi người, ở mọi nơi”
40 năm qua, với giá trị hoạt động nhân đạo đạt trên 240 tỷ đồng, Hội đã hỗ trợ cho trên 1,1 triệu người nghèo, nạn nhân chất độc da cam và những người yếu thế khác trong xã hội; vận động xây dựng được gần 1.000 công trình nhân đạo trị giá trên 25 tỷ đồng; từ năm 2009 đến nay, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” đã tặng gần 200.000 suất quà Tết trị giá trên 80 tỷ đồng... Trong cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã có hàng ngàn địa chỉ được giúp đỡ thường xuyên. Phong trào hiến máu tình nguyện từ năm 2006 đến nay đã vận động và tiếp nhận được trên 123.000 đơn vị máu.
|
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên về công tác nhân đạo và vị trí, vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chưa đầy đủ; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nhân đạo và Hội Chữ thập đỏ có những mặt hạn chế; chất lượng tổ chức và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ ở một số địa phương-nhất là ở cơ sở-còn yếu; sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể trong hoạt động nhân đạo thiếu đồng bộ, chưa thống nhất và còn chồng chéo; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ Hội còn nhiều bất cập.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 40 năm xây dựng và phát triển của Hội, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Một là, luôn bám sát và đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền; sự chỉ đạo định hướng của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban ngành hữu quan, của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể. Đây là những nhân tố hết sức quan trọng đối với tổ chức và hoạt động của Hội.
Hai là, luôn coi trọng công tác tổ chức, công tác cán bộ Hội, công tác hội viên, tình nguyện viên và đặc biệt là công tác thanh-thiếu niên Chữ thập đỏ trong trường học.
Ba là, coi trọng và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về Hội, về truyền thống và các giá trị nhân đạo của dân tộc Việt Nam; tuyên truyền hiệu quả hoạt động nhân đạo của Hội nhằm khẳng định vai trò, vị thế của Hội, xứng đáng là địa chỉ tin cậy, là lực lượng nòng cốt, cầu nối và điều phối trong hoạt động nhân đạo.
Bốn là, chú trọng công tác vận động nguồn lực, xây dựng Quỹ Nhân đạo, Quỹ Cứu trợ khẩn cấp của các cấp Hội, coi đây là yếu tố then chốt quyết định các hoạt động của Hội; đồng thời việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi phải đảm bảo tính dân chủ, đáp ứng đúng các tiêu chí cụ thể; công tác tổ chức hỗ trợ, cứu trợ phải kịp thời, công khai, minh bạch, góp phần nâng cao vai trò, vị thế cũng như tính chuyên nghiệp của tổ chức Hội.
Năm là, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cần đảm bảo các yếu tố: Sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo với tư tưởng cách mạng tiến công, khoa học, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tránh thụ động. Luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Trong công tác vận động cần kiên trì, thuyết phục, tránh nóng vội, chủ quan, thúc ép; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng, Nhà nước ta nói chung cũng như của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Gia Lai nói riêng. Thực hiện nghiêm Điều lệ Hội, duy trì các chế độ hội họp, chế độ thông tin báo cáo đúng quy định. Lãnh đạo phải đi đôi với kiểm tra để phát huy các yếu tố tích cực, phát hiện, uốn nắn kịp thời những hạn chế, khuyết điểm. Sơ kết, tổng kết, tôn vinh khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến trên các mặt công tác, hoạt động của Hội. Cần gắn chặt khen đi đôi với thưởng, có như vậy mới kích thích, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển.
Trong 40 năm qua, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và thanh-thiếu niên Chữ thập đỏ luôn học tập và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”. Xác định chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, thử thách, tuy nhiên Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ phấn đấu không ngừng với khẩu hiệu: “Chữ thập đỏ vì mọi người, ở mọi nơi”, thực sự là địa chỉ tin cậy, xứng đáng với vai trò nòng cốt, cầu nối và điều phối trong hoạt động nhân đạo, qua đó nhằm mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những người kém may mắn trong cuộc sống, góp phần xứng đáng vào thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh và phồn vinh.
Dương Đình Diện
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh