(GLO)- Việc ra mắt Hội đồng Tiền lương Quốc gia Việt Nam ngày 6-8-2013 đã đánh dấu một bước chuyển từ cơ chế xác định lương tối thiểu hoàn toàn do Chính phủ dẫn dắt sang một thể chế ba bên ghi nhận tầm quan trọng của sự tham gia của người lao động và sử dụng lao động.
Theo ông Phạm Minh Huân-Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng, với chức năng tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng, sẽ thay đổi cơ chế tham vấn gián tiếp giữa Chính phủ với các bên trong quan hệ lao động như trước đây, sang tham vấn trực tiếp trong Hội đồng nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường tính đồng thuận trong việc xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng trình Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết lương tối thiểu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. “Lương tối thiểu là sàn thấp nhất mà không một người sử dụng lao động có quyền trả thấp hơn mức đó và là lưới an toàn cho người lao động làm công ăn lương trong xã hội, góp phần chống đói nghèo, bóc lột lao động”-Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết. Ông cũng nhấn mạnh rằng người lao động và sử dụng lao động có thể thỏa thuận các mức tiền công cao hơn trên thị trường lao động.
Trước những nỗ lực của Việt Nam, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Gyorgy Sziraczki gọi sự ra đời của cơ chế xác định lương tối thiểu mới này là “một thành quả hiện hữu” của Việt Nam trên con đường tiến tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa và hợp tác.
“Hội đồng có thể cải thiện quá trình xác định lương tối thiểu dựa trên số liệu và căn cứ khoa học, đồng thời thúc đẩy đối thoại xã hội và tìm kiếm sự đồng thuận và ổn định trong quan hệ lao động”-ông Gyorgy Sziraczki nói.
Hội đồng cũng giúp các tổ chức đại diện cho người lao động và sử dụng lao động tham gia tích cực hơn vào việc xây dựng các đề xuất về lương tối thiểu. Trong khi đó, Chính phủ vẫn đóng vai trò “đặc biệt quan trọng” trong hoạt động của Hội đồng. Chính phủ không chỉ là “kiến trúc sư về thể chế” trong việc xây dựng khuôn khổ tổng thể cho các cuộc thương lượng về tiền lương mà còn là cơ quan “đưa ra chương trình nghị sự”, là đơn vị “cung cấp thông tin và số liệu thống kê” và là bên “điều phối, hỗ trợ” thúc đẩy đối thoại và thương lượng.
Hải Yến