Phóng sự - Ký sự

Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á - Kỳ cuối: Chống cực đoan hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để ngăn chặn khủng bố, Indonesia chú trọng giải quyết các vấn đề yêu sách lãnh thổ để tách các nhóm đấu tranh độc lập khỏi các nhóm Hồi giáo cực đoan.


Giáo sĩ Hồi giáo Nallah Muhamad Abdul Jamal Abd El-Malik, người Ấn Độ, đến Singapore hành đạo từ năm 2010.

Trong một buổi cầu kinh đầu năm nay, ông dẫn giải một đoạn cổ văn Ả Rập hàm nghĩa “Thượng đế bảo vệ chúng ta khỏi dân Do Thái và Thiên Chúa giáo”. Ông còn bình phẩm ám chỉ Hồi giáo ưu việt hơn các tôn giáo khác.

 

Một phụ nữ Hồi giáo thả chim bồ câu trong biểu tình chống IS ở Jakarta.
Một phụ nữ Hồi giáo thả chim bồ câu trong biểu tình chống IS ở Jakarta.

Dập tắt nguy cơ từ trứng nước

Hai tháng sau có đơn kiện giáo sĩ Nallah. Ông biết lỗi nên muốn xin lỗi. Hôm sau ông đi cùng các giới chức Phật giáo và đạo Sikh đến giáo đường Do Thái trao thư xin lỗi. Thư bày tỏ hối hận vì đã gây căng thẳng tôn giáo.

Căn cứ luật pháp và với quyết tâm bảo vệ chiến lược hài hòa tôn giáo, chính quyền cho rằng thư xin lỗi vẫn chưa đủ. Sau đó, tòa tuyên phạt giáo sĩ này 4.000 đôla Singapore và yêu cầu ông hồi hương về Ấn Độ.

Trước đó vào ngày 29-9-2016, Amos Yee, 17 tuổi, đã bị kết án một tháng rưỡi tù giam và bị phạt tiền 2.000 đôla Singapore vì tung lên mạng xã hội bình luận bôi bác Hồi giáo và Thiên Chúa giáo.

Theo luật Singapore, các hành vi xâm hại nếp sống của sắc tộc hay tôn giáo có thể bị kết án đến ba năm tù giam, phạt vạ hoặc cả hai.

Các nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động mạnh ở Philippines, Indonesia và Malaysia nhưng ở Singapore thì không vì Singapore thực hiện chính sách hài hòa xã hội để dập tắt từ trong trứng nước nguy cơ căng thẳng tôn giáo dẫn tới xung đột.

Tháng 7-2016, tòa án Singapore đã kết án bốn bị cáo Bangladesh từ 2-5 năm tù giam. Các bị cáo đã quyên góp tài trợ và lập nhóm Nhà nước Hồi giáo Bangladesh với ý định lật đổ Chính phủ Bangladesh và gia nhập IS.

Chủ tọa phiên tòa biện giải: “Bản án nghiêm khắc này là cần thiết không chỉ nhằm trừng phạt mà còn để cảnh giác những kẻ khác”.

Cuối năm 2015, Singapore đã trục xuất 27 người Bangladesh làm công nhân xây dựng đã tuyên truyền cho IS và âm mưu tấn công ở Bangladesh.

Phòng ngừa cực đoan

Bảo vệ quyền bình đẳng giữa các tôn giáo là quy định rất quan trọng ở Singapore. Dân tộc thiểu số có đại diện trong quốc hội để người dân tộc không cảm thấy bị gạt bên lề xã hội rồi chạy theo xu hướng cực đoan.

Nhóm Hỗ trợ tôn giáo được thành lập để giải thích cho cộng đồng Hồi giáo hiểu rõ các luận điệu cực đoan sai lệch.

Nhiều văn kiện pháp luật khuyến khích hòa hợp tôn giáo đã được ban hành như Luật bảo vệ hòa hợp tôn giáo, Luật chống xúi giục nổi loạn và Tuyên bố về hài hòa tôn giáo. Khái niệm hòa hợp tôn giáo được đưa vào trường học để học sinh từ nhỏ đã hiểu vấn đề.

Nhằm huy động toàn xã hội ngăn chặn khủng bố, Singapore đã ban hành chiến lược “Quốc phòng toàn dân” với năm yếu tố phòng vệ gồm quân sự, dân sự, kinh tế, xã hội, tâm lý.

Ngoài ra, chính phủ cũng thực hiện nhiều biện pháp can thiệp gián tiếp. Ví dụ khi một phần tử khủng bố bị bắt, nhà nước sẽ hỗ trợ gia đình người này về tài chính, tâm lý và cảm xúc để gia đình đó hòa nhập xã hội và con cái họ khỏi ức chế tiếp bước con đường xấu.

Chính phủ đã giáo dục người dân rằng đây không phải là cuộc chiến chống Hồi giáo mà là chống bọn khủng bố, vì vậy họ rất được cộng đồng Hồi giáo thiểu số hậu thuẫn.

Chống “đục nước béo cò”

Tại Indonesia vào tháng 2-2016, tòa đã kết án bảy bị cáo từ 3 - 5 năm tù giam vì tuyên thệ trung thành với IS. Bốn tên đã sang Syria gia nhập IS, ba tên còn lại lo mua vé máy bay và tuyển người.

Để ngăn chặn khủng bố, Indonesia chú trọng giải quyết các vấn đề yêu sách lãnh thổ để tách các nhóm đấu tranh độc lập khỏi các nhóm Hồi giáo cực đoan vì các nhóm Hồi giáo cực đoan thường lợi dụng vấn đề yêu sách lãnh thổ để phát triển lực lượng.

Ví dụ: Indonesia đã tách nhóm Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiyah khỏi nhóm đòi độc lập Phong trào vì Aceh tự do, do đó Jemaah Islamiyah đã dần suy yếu.

Trong khi đó, Philippines không tách được nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf với nhóm Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) nên hai nhóm này vẫn duy trì quan hệ với nhau.

Khác với Philippines, Indonesia chú trọng các biện pháp cảnh sát và tình báo hơn các biện pháp quân sự bởi xác định đây là cuộc chiến đấu tranh về ý thức hệ.

Năm 2005, kế hoạch 14 điểm (chú trọng trấn áp quân sự) được thay thế bằng chương trình 16 điểm chống khủng bố. Hai năm sau, Luật an ninh con người được ban bố.

Hai văn kiện này bổ sung cho nhau. Chương trình 16 điểm gồm các biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự và luật pháp, còn Luật an ninh con người tập trung quản lý khủng hoảng và xung đột, bình định và phát triển kinh tế.

Thách thức trong hợp tác khu vực

Tương tự Singapore, Malaysia đã áp dụng nguyên tắc thu phục nhân tâm để chống khủng bố dựa theo các phương thức chống nổi dậy của Anh áp dụng trong thập niên 1950.

Trong quá trình giam giữ nghi can khủng bố vì mục đích ngăn chặn, nghi can được đối xử tốt, có thể gặp gia đình thường xuyên.

Nghi can hối lỗi sẽ được trả tự do và hòa nhập xã hội. Chính phủ cũng yêu cầu các trường học Hồi giáo phải cam kết tránh rao giảng tư tưởng cực đoan.

Ở cấp quốc gia, Singapore và Malaysia đã đấu tranh chống khủng bố hiệu quả. Không có vụ tấn công khủng bố nào lớn xảy ra ở hai nước này như tại Indonesia. Indonesia cũng đã giảm bớt bạo lực khi quan tâm giải quyết xung đột lãnh thổ và sắc tộc.

Thành công chung của ba nước này là đã ngăn chặn quá trình cực đoan hóa. 40% phần tử Hồi giáo cực đoan thuộc nhóm Jemaah Islamiyah bị giam giữ ngăn chặn đã hòa nhập xã hội sau khi được trả tự do.

Trong bối cảnh IS muốn xây dựng cơ sở mới ở Đông Nam Á, theo nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp), các nước Đông Nam Á cần phối hợp các chính sách chống khủng bố.

Tuy nhiên yêu cầu này đến nay vẫn còn là thách thức. Indonesia và Malaysia vẫn đang tranh chấp lãnh thổ như khu vực Sabah và Ambalat.

Indonesia, Philippines và Malaysia đã ký thỏa thuận khung về tuần tra chung trên biển hồi tháng 8-2016 song vẫn chưa phối hợp tuần tra rộng rãi chống khủng bố.

Ngoài ra còn nhiều lĩnh vực cần hợp tác như ngăn chặn các nhóm khủng bố đầu tư, loại trừ cực đoan hóa, trao đổi tin tình báo, xây dựng chính sách kinh tế để chống buôn lậu và tuyển người.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm