Hội nghị giao ban toàn ngành giáo dục và đào tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 19-10, tại hội trường Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chư Sê, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban toàn ngành nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ngành giai đoạn 2016-2018.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các phòng chuyên môn Sở GD-ĐT; trưởng, phó Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố...Ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ ngành từ năm 2016 đến nay với những nội dung chính như: Triển khai Nghị quyết 19; học 2 buổi/ngày; dạy Ngoại ngữ theo đề án; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; biên chế viên chức và hợp đồng; xây dựng các trường bán trú; nhà vệ sinh trường học; công tác huy động và duy trì sĩ số học sinh...
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2018, cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được chú trọng đầu tư theo hướng chuẩn hóa, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt gần 60% (mầm non đạt 38,7%; phổ thông đạt 71,7%). Giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), bán trú phát triển với 2 trường PTDTNT tỉnh; 15 trường PTDTNT huyện và 26 trường PTDT bán trú ở các xã vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.17/17 huyện, thị xã, thành phố đã được công nhận phổ cập giáo dục-xóa mù chữ...
Ông Hồ Văn Diệp-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mang Yang phát biểu tại hội ngh. Ảnh: Nguyễn Giang
Ông Hồ Văn Diệp-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mang Yang phát biểu tại hội ngh. Ảnh: Nguyễn Giang
Bên cạnh kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng nghiêm túc nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc như: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia nhiều huyện còn thấp. Trong quá trình xây dựng đạt chuẩn, đa số trường chưa đảm bảo tỷ lệ biên chế giáo viên theo quy định, cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, công trình nhà vệ sinh chưa đảm bảo. Các trường mầm non, tiểu học có nhiều điểm trường gặp khó khăn trong việc đầu tư đạt chuẩn. Việc triển khai dạy tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020 gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên. Mô hình dạy 2 buổi/ngày chưa triển khai đồng bộ  do thiếu phòng học, giáo viên. Một số phòng GD-ĐT thiếu chuyên viên phụ trách chuyên môn bậc học nên công tác quản lý bị ảnh hưởng...
Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Tư Sơn đề nghị các địa phương tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; chuẩn bị cơ sở vật chất để phục vụ việc dạy 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học; chú trọng công tác tổ chức thi giáo viên giỏi cấp cơ sở cho giáo viên; ưu tiên bố trí giáo viên cho vùng khó khăn sau khi thi tuyển biên chế...
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm