Thời sự - Bình luận

Hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 3360/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5-7-2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: cải cách hoàn thiện thể chế kinh tế, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách tại địa phương để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra; xây dựng và triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao nhận thức của cán bộ, doanh nghiệp và người dân về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu cần đáp ứng khi thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Gia Lai tiếp tục xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng thế mạnh tại địa phương. Ảnh: V.T
Gia Lai tiếp tục xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng thế mạnh tại địa phương. Ảnh: V.T

Cùng với đó là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển; khắc phục tình trạng thiếu kết nối, phối hợp giữa các sở, ngành và đơn vị liên quan đối với từng lĩnh vực phụ trách; tiếp tục xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng thế mạnh tại địa phương gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững; tích cực triển khai thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài tại địa phương; thực hiện tốt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thực thi hiệu quả các FTA, rà soát, khắc phục sự chồng chéo giữa các sở, ngành và đơn vị liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong các FTA; nhất là kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP; tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cho các ngành hàng và doanh nghiệp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt lợi ích từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới; phối hợp với Bộ Công Thương tiếp nhận, vận hành, nâng cấp và phát triển Cổng thông tin điện tử Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) nhằm kết nối doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện các FTA.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do. Ảnh: V.T
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do.
Ảnh: V.T

Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 và phát triển bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân; triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là cho hạ tầng chiến lược, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng số quốc gia... tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nhân lực số, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; thực hiện tốt các cam kết quốc tế liên quan đến môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ, quốc phòng-an ninh.

UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ cần xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện hoặc lồng ghép thực hiện trong kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm