Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Hội Nông dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã tích cực tham mưu cấp ủy Đảng cùng cấp triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tổ chức học tập, quán triệt các nội dung cơ bản của Kết luận số 21-KL/TW cho toàn thể cán bộ, hội viên; xây dựng chương trình thực hiện của Ban Thường vụ hàng năm gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, cơ quan; cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch, bản cam kết thực hiện. Kết quả, 100% cán bộ, đảng viên đều báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch, bản cam kết của cá nhân; thực hiện nghiêm túc việc khắc phục những khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể, cá nhân.
Rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế trong hoạt động của cơ quan còn thiếu hoặc chưa phù hợp, trong đó quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức cơ quan trong từng nhiệm vụ cụ thể; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan; công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm và tuyển dụng cán bộ đảm bảo công khai minh bạch; phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong việc tham gia giám sát các hoạt động quản lý nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức trong cơ quan Hội Nông dân tỉnh. 100% cán bộ, đảng viên trong quy định phải kê khai thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình tăng, giảm tài sản; không có cán bộ vi phạm về kê khai tài sản.
Cấp ủy chi bộ và lãnh đạo cơ quan Hội luôn chú trọng lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng, thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên thông qua công việc hàng ngày, sinh hoạt cơ quan, chi bộ, Công đoàn, việc chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan… để động viên, định hướng, có giải pháp tuyên truyền, giáo dục. Từ đó, đội ngũ cán bộ nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, phong cách làm việc khoa học, khắc phục tình trạng quan liêu, làm việc theo lối mòn hành chính, sâu sát với cơ sở, nâng cao vai trò, trách nhiệm.
Triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, cán bộ, đảng viên cơ quan thực hiện tốt quy chế làm việc, xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên; thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; không xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.
Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh lần thứ 14 khóa VIII, nhiệm kỳ 2018-2023 (mở rộng). Ảnh: Anh Huy
Các cấp Hội đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, xây dựng nhân rộng các mô hình mới, thiết thực, hiệu quả; thường xuyên vận động hội viên nông dân tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, liên kết trong sản xuất, chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng trong sản xuất, tạo thêm việc làm và tham gia đóng góp, chung sức xây dựng nông thôn mới. Qua đó, toàn tỉnh có khoảng 62.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hàng năm, chiếm 27,3% so với số hộ nông dân; số hộ có thu nhập từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm tăng nhanh qua các năm; số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm ngày càng nhiều... 
Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tiếp tục cụ thể hóa lồng ghép giám sát cán bộ Hội, đảng viên là hội viên nông dân trong kế hoạch kiểm tra, giám sát, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền hàng năm; triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội (theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị khóa IX) và Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và người dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị khóa XI).
Cùng với việc tổ chức các hoạt động giám sát, các cấp Hội đã tham gia phản biện, góp ý các văn bản dự thảo của cấp ủy, chính quyền về các chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn để cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng nghiên cứu đề ra những quyết sách phù hợp với tình hình thực tế, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Các cấp Hội tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân tham gia góp ý đối với cán bộ, đảng viên thông qua các hội nghị, sinh hoạt chi, tổ hội; vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia giám sát cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, trong công tác phòng-chống tham nhũng, trong đạo đức, lối sống. Thực hiện Quyết định số 553-QĐ/TU, 554-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với cán bộ, hội viên nông dân. Nội dung đối thoại tập trung các vấn đề liên quan đến sản xuất, đời sống của hội viên nông dân; các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới... Thông qua đối thoại, cán bộ, hội viên nông dân nói lên tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở địa phương, cơ sở; được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm xem xét, giải quyết kịp thời.        
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế đó là: một số cấp Hội chưa tích cực, chủ động trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp với các ngành, đoàn thể để tổ chức triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW; một số đơn vị xây dựng kế hoạch chưa sát với tình hình thực tế của địa phương. Công tác nắm bắt, phản ánh tình hình hội viên nông dân có lúc chưa kịp thời. Các cấp Hội đã có nhiều cố gắng trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhưng ở một số nơi vẫn chưa thể hiện rõ nét, chưa đáp ứng kịp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của Hội nên chưa tổ chức được nhiều.
Nhằm phát huy vai trò của Hội Nông dân trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, Hội Nông dân tỉnh đề xuất một số giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Một là, các cấp Hội tiếp tục triển khai thực hiện việc học tập, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với nhiệm vụ chính trị của Hội.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh. Thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế dân chủ; tăng cường tự phê bình và phê bình, giữ vững đoàn kết; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên về mọi mặt, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; không để xảy ra những vấn đề bức xúc, nổi cộm làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ của Hội.
Ba là, phát huy vai trò nêu gương, ý thức, trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu, thực hiện “nói đi đôi với làm”; nâng cao ý thức tự giác, chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, phát huy vai trò phản biện của hội viên nông dân trong việc tham gia góp ý đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bốn là, lồng ghép nội dung của nghị quyết với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, với các phong trào thi đua Hội. Quan tâm xây dựng các chuẩn mực đạo đức cụ thể, thiết thực gắn với nội dung công việc của cơ quan. Thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và đưa nội dung này vào sinh hoạt chi bộ hàng tháng để kiểm điểm, nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực hiện tốt nội dung mà mình đã đăng ký.
Năm là, tiếp tục phát huy tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và người dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia góp ý đối với cán bộ, đảng viên thông qua các các hoạt động, sinh hoạt của Hội; vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia giám sát cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, trong đạo đức, lối sống.
Sáu là, các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút quần chúng vào tổ chức, xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động, tích cực vận động các nguồn lực và chia sẻ, hỗ trợ hội viên nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
VÕ ANH TUẤN
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Có thể bạn quan tâm