(GLO)- Chiều 4-10, tại TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai phối hợp với Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tổ chức hội thảo khoa học “Mô hình liên kết kinh tế trong sản xuất cà phê và hồ tiêu tại Gia Lai-thực trạng và giải pháp”.
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Trường Sơn-Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế) cùng các cộng sự đã trình bày các tham luận: “Cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế trong nông nghiệp”, “Khảo sát và đánh giá các mô hình liên kết trong sản xuất cà phê và hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai”, “Xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất cà phê và hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai”. Theo đó, người sản xuất cà phê và hồ tiêu trên địa bàn tỉnh hiện đang liên kết chủ yếu thông qua hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hợp đồng tiêu thụ nông sản, sử dụng đất để góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp hoặc cho thuê đất, sau đó được sản xuất trên đất đã góp…
Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Nam |
Theo GS.TS Nguyễn Trường Sơn, các mô hình liên kết trong sản xuất cà phê và hồ tiêu gồm: liên kết ngang thông qua các hiệp hội nghề nghiệp, Hợp tác xã, quan hệ láng giềng giữa các hộ và theo nhóm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện liên kết dọc theo chuỗi, trực tiếp giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất, gián tiếp giữa nông dân và doanh nghiệp cho thấy một số mô hình liên kết có khả năng triển khai ở tỉnh Gia Lai là liên kết gián tiếp qua trung gian Hợp tác xã, đặc biệt với mô hình liên kết gián tiếp nhóm, tổ, các hộ nông dân được xem là phù hợp nhất và có khả năng triển khai ứng dụng mạnh nhất.
Lê Nam