Kinh tế

Nông nghiệp

Hội thảo “Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 6-3, tại khách sạn Pleiku Place, Tổ chức Rainforest Alliance phối hợp Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đak Lak, Công ty TMT Consulting tổ chức hội thảo “Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam”.

Dự hội thảo có đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Hiệp hội cà phê-ca cao Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đak Lak, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai; lãnh đạo các xã: Glar, A Dơk, Đak Krong (huyện Đak Đoa), Ea Toh, Ea Tan, Dlie Ya (huyện Krông Năng, tỉnh Đak Lak).

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: P.L
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: P.L

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện dự án “Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam”. Theo đó, Dự án “Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam” do tổ chức Rainforest Alliance phối hợp cùng Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đak Lak triển khai với nguồn tài trợ chính từ Cơ quan Doanh nghiệp Hà Lan, Tập đoàn Cà phê Koninklijke Douwe Egberts B.V. (JDE Hà Lan) và Luigi Lavazza S.p.A (Italia).

Dự án được triển khai từ tháng 4-2022 đến tháng 9-2024 tại 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak. Tại Gia Lai, dự án được triển khai tại các xã: Đak Krong, A Dơk, Glar (huyện Đak Đoa). Dự án có 4 mục tiêu chính: Nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống để trẻ em có cơ hội đến trường; nâng cao nhận thức cho nông dân về quyền trẻ em, động viên các em đến trường; hợp tác với địa phương, các bên liên quan để cung cấp thông tin, đồng bộ hơn trong quản lý; xây dựng hệ thống quản lý tại công ty.

Đại diện các đơn vị trao đổi về dự án nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam. Ảnh: P.L
Đại diện các đơn vị trao đổi về dự án nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam. Ảnh: P.L

Sau 2 năm thực hiện, dự án đã thành lập được 31 câu lạc bộ trẻ em với 408 thành viên, hoạt động định kỳ hàng quý tổ chức các hoạt động: đọc sách, trò chơi hoạt náo, vẽ tranh trên túi vải, trồng hoa; tặng 329 bộ sách giáo khoa, 115 bộ dụng cụ học tập cho học sinh. Dự án hỗ trợ đào tạo nghề: trang điểm, cắt tóc, sửa chữa xe máy, pha chế cà phê cho 31 thanh-thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Dự án tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê và tặng mô hình sinh kế cho 1.500 nông dân; tổ chức 20 buổi truyền thông với các chủ đề: Quyền trẻ em, Luật trẻ em, Lao động trẻ em, tình trạng tảo hôn; thành lập 37 tổ bảo vệ trẻ em với 157 thành viên ở các thôn, buôn nhằm xử lý các vấn đề có thể xảy ra tại địa phương như: trẻ em bị xâm hại, bạo hành...

Tại hội thảo, các đơn vị thảo luận về thuận lợi và khó khăn trong triển khai dự án; đề ra một số nhiệm vụ trong năm 2024 như: tiếp tục duy trì các Câu lạc bộ trẻ em; hỗ trợ học nghề cho thanh-thiếu niên khó khăn; giám sát và đánh giá các mô hình đã triển khai…

Sáng cùng ngày, các đơn vị đã tham quan quy trình sản xuất cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, dự buổi sinh hoạt Câu lạc bộ trẻ em tại xã Glar, thăm nhóm sáng kiến cộng đồng tại thôn Tuơh Klah (xã Glar), giao lưu bóng đá nữ tại xã A Dơk, thăm lớp đào tạo nghề cho thanh-thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại làng Groi Wết (xã Glar).

Có thể bạn quan tâm