Thời sự - Bình luận

Hợp lý, hợp thời

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hơn 500 công sở, trường học, trạm y tế ở Thanh Hóa bị bỏ hoang nhiều năm; hàng trăm cơ sở công khác chưa được sử dụng ở Hà Tĩnh, Bình Thuận…

Những thông tin trên luôn làm nhiều người thấy xót xa trong lúc nhà đất ngày càng đắt đỏ.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 108 về quản lý, sử dụng và khai thác nhà đất, tài sản công không dùng để ở đã tháo gỡ được điểm nghẽn bấy lâu nay cho các địa phương. Đây là nguồn tài sản rất lớn bị bỏ hoang, rất lãng phí.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện cả nước có gần 88.000 cơ sở nhà, đất công giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà ở địa phương với tổng diện tích của loại nhà, tài sản này hơn 23,7 triệu m2. Phần lớn diện tích trên nằm ở các thành phố lớn, nơi giá trị đất rất cao và khả năng sinh lời lớn.

Thiếu cơ chế sinh lợi trên những miếng đất này không chỉ lãng phí mà nó còn ẩn chứa nhiều nguy cơ thâm lạm khó lường. Bởi giá trị đất đai rất cao nên không thiếu kẻ nhòm ngó.

Thực tế trong những năm qua, rất nhiều mảnh đất công bị thôn tính và cũng rất nhiều người vướng vòng lao lý vì tham lam đất công. Vấn đề này gây bức xúc xã hội và hầu như trong các kỳ họp đều được các đại biểu đặt ra gay gắt. Không phải không có cơ chế sử dụng, kinh doanh, mà nguyên do chính là tài sản này kiểu "cha chung không ai khóc". Lập các dự án đô thị luôn hấp dẫn và mang lại nguồn lợi lớn hơn nên được quan tâm nhiều hơn so với cho thuê đất công.

Đất đai luôn là nguồn lực lớn của bất cứ quốc gia nào. Việt Nam vừa có dân số vượt qua 100 triệu người vào năm 2023. Với số dân này, Việt Nam đứng thứ 15 trong các quốc gia đông dân nhất thế giới.

Thế nhưng diện tích của nước ta đứng thứ 65 trên thế giới. Với mật độ 321 người/km2, chúng ta thuộc quốc gia có mật độ dân số cao. Những số liệu trên minh chứng rằng chúng ta không giàu có về đất đai.

Thực tế này đòi hỏi phải có sự quản lý hiệu quả hơn để mang lại lợi ích lớn nhất từ diện tích đất đai hiện hữu. Hoang phí đất đai cũng đồng nghĩa thu hẹp lợi ích của người dân.

Có một số nhà kinh doanh địa ốc diễn giải rằng: Một mảnh đất nếu trồng trọt sẽ sinh lời gấp đôi; nếu làm dịch vụ sẽ sinh lợi gấp 5; nếu kinh doanh địa ốc sẽ sinh lợi gấp 10… Một lý thuyết rất hấp dẫn và đã cuốn hút nhiều người, thậm chí nhiều cơ quan lao vào địa ốc. Nhưng đây là cách nhìn kim tiền góc hẹp.

Quản lý đất đai luôn được đặt vào tầm nhìn rộng mở hơn, tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội lâu dài và toàn diện. Đất đai chỉ phát huy giá trị tốt nhất khi được sử dụng và phục vụ theo các kế hoạch vĩ mô được điều hành trên bình diện tổng thể quốc gia. Với 65% dân số ở nông thôn, chúng ta dành đến gần 30 triệu ha trong tổng số 33,1 triệu ha đất toàn quốc cho nông nghiệp. Trong gần 4 triệu ha đất phi nông nghiệp chỉ có khoảng 195.000 ha đất ở đô thị.

Đây là bài toán lớn tác động đến toàn bộ sự phát triển của đất nước. Bài toán này bước đầu là sử dụng hiệu quả đất đai để tiến tới khai phóng nguồn lực đất đai, mang lại nguồn lợi ích lớn nhất phục vụ người dân.

Theo Phạm Hồ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm