(GLO)- Đầu tư vốn cho những hộ mới thoát nghèo là một chủ trương rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn cơ sở hiện nay-khi ranh giới giữa hộ nghèo và hộ thoát nghèo rất mong manh, tỷ lệ tái nghèo còn rất cao. Theo đó, kênh tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội là bước đệm quan trọng để hỗ trợ bà con tiếp tục ổn định sản xuất, đảm bảo nhu cầu cuộc sống...
Một góc xã Đak Hlơ (huyện Kbang). |
Trung tuần tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách Xã hội để lấy ý kiến góp ý của cá nhân và tổ chức. Theo dự thảo, đối tượng được vay vốn bao gồm hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội trong vòng 3 năm kể từ ngày xác định thoát nghèo và ra khỏi danh sách hộ nghèo để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững hoặc hộ có thu nhập bình quân trên thu nhập bình quân của hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay áp dụng bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo; mức cho vay không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ; thời hạn cho vay phụ thuộc vào chu kỳ SXKD và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng tối đa không quá một chu kỳ SXKD của đối tượng đầu tư trong phương án sử dụng vốn vay...
Mặc dù chủ trương cho vay đối với hộ mới thoát nghèo vẫn còn nằm ở dạng dự thảo nhưng đã tạo nhiều hiệu ứng xã hội tích cực trong những năm qua, từ kênh tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội-Chi nhánh tỉnh đã góp phần tích cực đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, là cánh tay hỗ trợ đắc lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tính đến thời điểm hiện nay, cho vay hộ nghèo là một chương trình lớn với mức vay tối đa lên tới 50 triệu đồng/hộ, dư nợ đạt hơn 1.000 tỷ đồng và 67.000 hộ vay còn dư nợ. Đồng thời, dư nợ cho vay hộ nghèo hiện đang chiếm gần 1/3 tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách toàn tỉnh. Từ nguồn vốn chủ lực này cộng thêm sự hỗ trợ từ các chương trình chính sách khác, đối tượng hộ nghèo có thêm nguồn lực để duy trì và phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm cho đại bộ phận lao động ở nông thôn để dần cải thiện chất lượng cuộc sống, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Tiếp nối chương trình này, trong năm 2013, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tiếp tục triển khai cho vay hộ cận nghèo nhằm giúp đối tượng này có điều kiện ổn định sản xuất, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững. Dù mới triển khai gần 2 năm nhưng tính đến ngày 31-8-2014, dư nợ cho vay hộ cận nghèo đã đạt 258 tỷ đồng/12.000 hộ dư nợ.
Theo số liệu thống kê năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 17,23%; so với một số địa phương khu vực Tây Nguyên là khá cao (Đak Lak 11,6%, Đak Nông 15,6%, Lâm Đồng 4,13%) và chỉ thấp hơn Kon Tum (19,2%). Mặt khác, 82% số hộ nghèo lại rơi vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và có một số xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 50%. Trong khi đó, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm của tỉnh chỉ khoảng 3%/năm, còn tỷ lệ tái nghèo bình quân 10/1 (10 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo), tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 7% so với hộ nghèo. Với thực tế như vậy thì việc có thêm chính sách hỗ trợ tín dụng đối với đối tượng hộ thoát nghèo là vô cùng cần thiết và hữu ích cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bàn thêm về vấn đề này, ông Lê Văn Chí- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh nhấn mạnh: Thực tế hiện nay đối tượng hộ mới thoát nghèo rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thương mại vì lãi suất cao, đòi hỏi tài sản thế chấp. Thiếu vốn đầu tư sản xuất thì nguy cơ tái nghèo rất cao. Với chương trình này, nếu sớm được triển khai thì bà con sẽ có cơ hội vay vốn với lãi suất tương đương hộ cận nghèo, được hưởng ưu đãi về mặt hồ sơ thủ tục, được sự hỗ trợ từ các hội, đoàn thể trong quá trình lao động sản xuất. Ngoài đối tượng mới thoát nghèo thì hộ mới thoát cận nghèo, hộ không nằm trong diện cận nghèo cũng sẽ được tiếp cận với nguồn vốn này...
Sơn Ca