(GLO)- Sáng 6-8, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Trẻ em đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc- Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị. Tham dự còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Trẻ em; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và 675 điểm cầu các tỉnh, huyện, xã, với trên 18.000 đại biểu trong cả nước. Tại điểm cầu tại tỉnh Gia Lai có đồng chí Võ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Huỳnh Nữ Thu Hà- Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến |
Trên cơ sở báo cáo về công tác bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và công tác phòng, chống bạo lực gia đình, các giải pháp nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, truyền thống và trách nhiệm của gia đình với trẻ em của 4 Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội nghị tập trung đánh giá thực trạng công tác chăm sóc. Và đặc biệt nhấn mạnh tình trạng trẻ em bị xâm hại. Theo đó, mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60% số vụ. Con số này chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, còn thực tế các vụ xâm hại lớn hơn nhiều vì chưa được tố giác. Hội nghị cũng đi sâu phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và đề xuất giải pháp phòng chống, chặn đứng tình trạng xâm hại trẻ em.
Ở tỉnh ta, báo cáo tại hội nghị, bà Huỳnh Nữ Thu Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Gia Lai xảy ra 50 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em; có 54 đối tượng vi phạm. Trong đó, 44 vụ xâm hại tình dục, 5 vụ bạo lực và 1 vụ có hành vi khác. Trong 44 vụ xâm hại tình dục trẻ em, có 13 trẻ em đồng bào dân tộc xâm thiểu số, 15 đối tượng người dân tộc thiểu số vi phạm . Để giảm thiểu các vụ xâm hại trẻ em, Gia Lai tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 16-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác này. Tăng cường dịch vụ công về bảo vệ trẻ em, đi đôi xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án xâm hại trẻ em, nhất là giết trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em để răn đe, phòng ngừa.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: “Dân tộc ta có truyền thống “kính già, yêu trẻ”. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Quyền Trẻ em. Luật pháp cũng ban hành nhiều văn bản quy định liên quan đến trẻ em để dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần phải làm ngay, phải tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đạo đức lối sống trong nhà trường, hướng dẫn các gia đình kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em. Dạy cho các em cách phòng tránh xâm hại. Cấp xã bố trí cán bộ chuyên trách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Triển khai mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người đứng đầu là Chủ tịch xã, Công an xã và các hội, đoàn thể cơ sở. Nâng cao nhận thức, tập huấn, bố trí ngân sách, nguồn lực hàng năm để bảo vệ, chăm sóc trẻ. Các Bộ, ngành, cơ quan tố tụng cần hoàn thiện hồ sơ xử lý các vụ xâm hại trẻ em, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, tránh để lâu, điều tra nhiều lần. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ủy ban MTTQ Việt Nam xây dựng ngay Đề án “Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số” nhằm huy động vùng thuận lợi hỗ trợ cho trẻ em vùng sâu, dân tộc thiểu số có điều kiện được sống trong môi trường an toàn, tốt đẹp nhất.
Đinh Yến