Huy động trên 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia dập lửa cứu rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Tối ngày 21-2, sau gần 3 ngày trực tiếp tham gia trận chiến chống “giặc lửa”, cứu rừng trên ở núi Chư Nâm, thuộc huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, trên 1.000 lượt cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) và Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tổ chức xuống núi trở về doanh trại trong niềm vui của những người chiến thắng.

Kiên quyết dập tắt lửa trong đêm

Một trong những cán bộ có mặt đầu tiên tại điểm cháy, Đại tá Dương Văn Trang-Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Gia Lai cho chúng tôi biết: “Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 19-2, nhận được tin báo của Trực ban Tác chiến Rừng phòng hộ khu vực Bắc Biển Hồ đang bị cháy. Lập tức tôi triển khai cho Ban chỉ huy quân sự huyện Chư Pah kiểm tra lại vị trí, mức độ nguy hiểm, báo cáo huyện ủy, Ủy ban huyện, xin ý kiến chỉ đạo để triển khai lực lượng khẩn cấp chữa cháy. Đến 20 giờ ngày 20-2, chúng tôi tiếp tục nhận được chỉ lệnh từ ông Phạm Thế Dũng-Chủ tịch UBND tỉnh điều động lực lượng quân đội nhanh chóng có mặt tại điểm cháy trên núi Chư Nâm để dập lửa, cứu rừng.
 

Ảnh: Lê Quang Hồi

Sau một thoáng trao đổi thống nhất các nội dung trong lãnh đạo, chỉ huy, chúng tôi gấp rút triển khai nhiệm vụ, điều động 260 cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan 4 phòng, Trung đoàn 991, Trường Quân sự địa phương tổ chức hành quân trong đêm, vượt gần 30 km đường đèo dốc đến khu vực xảy ra các đám cháy. Tây Nguyên đang là mùa khô nên thời tiết hanh nắng, gió to, địa hình hiểm trở, mật độ cây dày, nên đám cháy lan nhanh, mặc dù có rất nhiều cố gắng nhưng lực lượng DQTV và lực lượng tại chỗ của huyện Chư Pah mới chỉ khoanh vùng và khống chế lửa cháy được một số nơi, nên khi đơn vị đến, các đám cháy vẫn tiếp tục lan ra, khói lửa mù mịt và có khả năng cháy rụi hết những khu rừng lân cận”.

Có mặt tại hiện trường vụ cháy, để trực tiếp chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ đơn vị thực hiện cuộc chiến chống “giặc lửa” cứu rừng, Đại tá Nguyễn Trung Hán-Sư trưởng sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) cho biết: “Nhận được mệnh lệnh của thủ trưởng Quân đoàn và ý kiến đề nghị của lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Gia Lai vào lúc 20 giờ ngày 20-2, chỉ huy Sư đoàn hội ý chớp nhoáng, thống nhất phương án “tác chiến”, nhanh chóng điều động 5 xe ca, 5 xe quân dụng, các phương tiện phòng chữa cháy và gần 300 cán bộ, chiến sĩ của khối Trực thuộc và Trung đoàn 48 tức tốc lên đường dập lửa cứu rừng trong đêm… Sư trưởng khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm trong đêm nhất định phải khống chế, ngăn chặn và dập tắt được các đám cháy!”.

Thượng tá Phạm Văn Dũng-Trung đoàn trưởng 48 (Sư đoàn 320) cho chúng tôi biết thêm: “Chỉ sau một giờ nhận được lệnh của thủ trưởng Sư đoàn, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã cơ động trong màn đêm và con đường gập gềnh núi đá, để có mặt tại điểm cháy và nhanh chóng vào các vị trí như kế hoạch đã phân công. Trung tá Lê Khắc Độ-Phó TMT chỉ huy hơn 130 đồng chí có mặt điểm Đông núi Chư Nâm và nhanh chóng triển khai cho bộ đội vào chặt cây dập lửa, khoanh vùng chống cháy. Trung tá Trần Văn Quang-Phó Chính ủy Trung đoàn 48, dẫn 130 quân tiến lên khu vực đỉnh núi Chư Nâm, phía tiếp giáp lòng hồ thủy lợi Tân Sơn, cùng hiệp đồng với cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Gia Lai “chia cắt” đám cháy, dập lửa, ngăn chặn cháy lan. Là đơn vị chủ lực cơ động, sẵn sàng chiến đấu cao, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ đột xuất, trong đó có nhiệm vụ cơ động chữa cháy rừng trên địa bàn, trong bóng đêm bên  lửa rừng đang cháy, cán bộ, chiến sĩ đã khẩn trương dùng dao, rựa phát quang, đào rãnh, khoanh vùng, ngăn lửa.

Do là rừng thông trồng, lớp thực bì dày cùng các loại cây cỏ thấp mọc lâu năm nên lửa cháy dữ dội, thiêu cháy cả vào những gốc thông trên chục năm tuổi. Các chiến sĩ không sợ nguy hiểm lao vào dùng khèo, bàn dập, cuốc xẻng, cành cây tươi dũng cảm tiến thẳng vào các chỗ cháy dập lửa, mặc cho khói mù mịt, mắt mũi cay xè. Trời đêm lạnh, nhưng hơi nóng từ đám cháy tỏa ra bỏng rát, mặc sức nóng hừng hực song không ai chùn bước, mà vẫn quyết tâm chiến thắng giặc lửa.

Niềm vui của bộ đội đánh “giặc lửa”

Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đêm tối, địa hình rừng núi phức tạp, các điểm cháy trên đồi núi cao, xa nguồn nước, nên việc dập lửa gặp nhiều khó khăn. Phương tiện chống cháy dập lửa đều rất đơn giản chủ yếu là dao, rựa, cành cây xanh... Có những đoạn lửa đã tạm thời bị khống chế, gặp gió dội vào lại tiếp tục bùng phát, cán bộ, chiên sĩ Quân đoàn 3 và Bộ CHQS tỉnh Gia Lai phải quay lại dập tiếp lần thứ hai...
 

Ảnh: Lê Quang Hồi

Đưa tay lau vội những giọt mồ hôi lăn xuống trên khuôn mặt đỏ ửng vì hơi nóng, Trung sĩ Sui HNinh, Trinh sát viên, phân đội Trinh sát bộ đội thuộc bộ CHQS tỉnh và Binh nhì Phạm Văn Dung (đại đội 7, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48) nói trong hơi thở gấp gáp: “Biết trước vào rừng, lên núi đánh “giặc lửa” bảo vệ rừng là rất mệt và rất nguy hiểm, nhưng bọn em vẫn quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao cho…”. Cũng xông xáo, cầm cây dập lửa, chặt cây khoanh vùng ngăn cách lửa lan, Thượng tá Nguyễn Huy Tùng-Chánh văn phòng Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Trên đường đi công tác về, nghe tin cháy rừng thế là tôi cùng với một số cán bộ đơn vị vào luôn để góp sức cùng bộ đội dập lửa, cứu rừng. Mặc dù trong đêm tối, núi rừng hẵm sâu, lửa cháy bỏng rát, nhưng các cánh quân “tác chiến” trên các mũi, các hướng vẫn rất nhịp nhàng, không lẫn  lộn, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Cán bộ chiến sĩ hai đơn vị đã phối hợp rất tốt, “chia lửa” rất thành công. Các chiến sĩ quân y, lực lượng hậu cần bảo đảm cũng sát cánh phục vụ bộ đội tại hiện trường. Mặc dù đã thấm mệt sau một đêm “quần nhau” với lửa, nhưng cán bộ, chiến sĩ không hề nản lòng bởi càng chậm trễ, đám cháy càng lan rộng, hậu quả sẽ khó lường. Với sự phối hợp của một số lực lượng khác đứng chân trên địa bàn, đến 6 giờ sáng ngày 21-2, đám cháy rừng tại núi Chư Nâm, huyện Chư Pah cơ bản được khống chế và dập tắt hoàn toàn.

Vụ cháy rừng trồng trên địa bàn huyện Chư Pah, tổng diện tích cháy ước tính là 270 ha. Nếu không có cán bộ, chiến sĩ quân đội ứng cứu kịp thời, hết mình dập lửa thì hậu quả sẽ khó lường. Chiến công chữa cháy rừng đầu xuân của các đơn vị quân đội trên địa bàn, chủ công là Quân đoàn 3 và Bộ CHQS tỉnh Gia Lai rất đáng được biểu dương, khen thưởng. Ông Phạm Thế Dũng-Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi gặp mặt động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu chống “giặc lửa” trên núi Chư Nâm.

Lê Quang Hồi

Có thể bạn quan tâm