Huyện biên giới Đức Cơ chăm lo nạn nhân da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) hiện có gần 1.300 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, phần lớn trong số họ đều có hoàn cảnh khó khăn. Gần 10 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện luôn nỗ lực giúp các nạn nhân da cam có thêm nhiều điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Trước đây, ông Mai Sĩ Từ (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) luôn mơ ước có một ngôi nhà nhỏ để che nắng che mưa và để chăm sóc đứa con tật nguyền. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đức Cơ cùng bà con lối xóm, niềm ước mơ ấy đã trở thành hiện thực. Trong niềm vui khôn tả, ông Mai Sĩ Từ nói: Nếu không có ngôi nhà mới này, mỗi mùa mưa, vợ chồng tôi lại phải tìm cách thu vén đồ đạc để đi ở nhờ vì ngôi nhà dột nát quá, trong khi bệnh tật của con bé lại không thể cứ nay đây mai đó… Khi nhận được 40 triệu đồng từ sự ủng hộ, giúp đỡ của Hội, tôi đã mạnh dạn vay mượn thêm để xây nhà. Ngôi nhà chỉ rộng 40 m2 nhưng được xây dựng kiên cố nên tôi rất yên tâm và bớt phần nào day dứt khi có thêm điều kiện chăm sóc cho đứa con gái bị nhiễm chất độc da cam…

 

Trao tặng bò cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đ.Y
Trao tặng bò cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đ.Y

Tương tự, nạn nhân da cam Lê Duy Tinh (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) đã được Hội hỗ trợ bò và vốn làm ăn. Ông Tinh vui mừng nói: “Nếu không có Hội thường xuyên quan tâm, hỗ trợ thì không biết khi nào gia đình tôi mới thoát được cái đói, cái nghèo. Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, con cái thì bị chất độc da cam nhưng tôi sẽ cố gắng vươn lên”.  

Thành lập từ năm 2007, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đức Cơ đã giúp hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chẳng quản mưa nắng, các cán bộ Hội đã thường xuyên xuống cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, động viên, chia sẻ khó khăn đối với nạn nhân và gia đình của họ.

Ông Lê Khả Hòa-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đức Cơ, chia sẻ: “Từ những lần đi thực tế, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của các nạn nhân, chúng tôi càng cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc giúp họ có cuộc sống tốt hơn”. Theo đó, Huyện hội đã quan tâm sâu sắc đến công tác vận động xây dựng quỹ Hội dưới nhiều hình thức như: giao lưu “Gặp gỡ đồng đội và nạn nhân chất độc da cam”; tọa đàm nhân ngày 10-8 “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”; phát động “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”; phối hợp tổ chức các chương trình văn nghệ từ thiện với chủ đề “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, “Chung lòng nhân ái”; kêu gọi vận động Quỹ nhân dịp Tết Nguyên đán với chủ đề “Tết người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”... Từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 1.500 lượt tập thể, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ cho Quỹ Hội với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay, Hội đã giúp đỡ cho hơn 1.130 lượt đối tượng. Đặc biệt, Hội đã xây dựng dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, hỗ trợ vốn” giúp cho 10 hộ đối tượng da cam nghèo vay vốn không tính lãi, mỗi hộ 6 triệu đồng trong thời gian 3 năm.

Năm 2012, Hội còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ 18 gia đình hội viên (mỗi hộ một con bò) và hỗ trợ phân bón cho 13 hộ hội viên với tổng trị giá 410 triệu đồng. Trong 2 năm 2014 và 2015, Hội triển khai “Ngân hàng bò” tại 3 xã biên giới: Ia Dom, Ia Pnôn, Ia Nan cho 40 hộ thuộc các đối tượng chính sách, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò, trị giá 14 triệu đồng/con. Ngoài ra, Hội cũng đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các hội đoàn thể và địa phương đóng góp xây nhà cho 9 gia đình hội viên khác với tổng trị giá 395 triệu đồng.

“Trong số gần 1.300 người nghi bị phơi nhiễm chất độc da cam ở huyện Đức Cơ, đến nay, mới chỉ có 176 nạn nhân được hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam. Cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì thế, thời gian tới, Hội rất cần nhiều hơn nữa sự sẻ chia của cộng đồng để xoa dịu nỗi đau da cam ”-ông Lê Khả Hòa trăn trở.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm