(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều người dân huyện Krông Pa đổ xô vào rừng tìm cây dược liệu quý để bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc.
Cây dây leo bị chặt để bán cho thương lái với giá 3.500 đồng/kg tươi. Ảnh: L.V.N |
Tại Gia Lai, việc người dân vào rừng tìm dược liệu để bán cho các thương lái rồi sau đó tuồn nguồn hàng này qua Trung Quốc không phải là điều gì mới lạ. Đặc biệt tại các khu vực như ở huyện Krông Pa, tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài với nhiều loại dược liệu như: nấm, lan kim tuyến… Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn tiếp tục vào rừng chặt dây leo để bán cho thương lái dù không hề biết thông tin nào về loài cây này. Tại các xã Chư Drăng, Ia Rmok (huyện Krông Pa), mỗi ngày có hàng chục người đa phần là trẻ em đi xe máy độ chế tiến vào rừng để làm “rươi”-cách gọi của người Jrai về loại dây leo này. Từ sáng sớm, từng nhóm 3-4 người mang dao rựa, bao, dây thun… rồi “cơm đùm cơm nắm” túa vào các cánh rừng sâu.
Ksor Tuyn (15 tuổi, buôn Hmun, xã Chư Drăng) cho biết: "Từ buôn mình phải đi hơn 2 tiếng đồng hồ vào rừng mới đến “bãi” thu hoạch dây leo. Phía bìa rừng cây thưa nên không còn rươi nữa rồi, phải đi vào thật sâu trong rừng, nơi có nhiều bóng mát mới có nhiều”. Nói rồi, Tuyn cùng hai người bạn mỗi người một hướng chia nhau vào rừng chặt dây leo kéo về bãi tập kết. Sau khi đã mang về nhiều đoạn dây leo dài 2-3 mét, đường kính khoảng 4 cm, cả nhóm bắt đầu kê xuống thân gỗ chặt thành từng khúc ngắn khoảng 2-3 cm rồi đóng vào bao. Tuyn cho hay, mỗi người lên rừng một ngày có thể chặt được một bao nặng 60 kg dây leo. Đến chiều, số dây leo này được mang về bán cho các thương lái người Kinh với giá 3.500 đồng/kg tươi. Tuyn tâm sự: “Em không biết cây đó để làm gì, tên là gì, chỉ biết gọi là rươi, nhưng thấy người ta mua thì bạn bè em rủ nhau đi chặt. Mỗi ngày lên rừng em cũng kiếm được gần 200 ngàn đồng mang về cho mẹ mua gạo”.
Tìm đến các thương lái thu mua loại dây leo này thì được biết, đây là loại cây dùng để làm thuốc. Họ đi gom hàng ở các khu vực còn rừng rậm rồi tập kết thành số lượng lớn, sau đó vận chuyển về xuôi. Theo tìm hiểu của P.V, loại dây leo này là một họ của cây máu chó mà thời gian qua, tại khu vực Tây Nguyên, các thương lái rầm rộ thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc làm dược liệu. Về tác dụng của loài cây này, ông Nguyễn Thanh Hùng-Giám đốc Bệnh viện Y Dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Cây máu chó (hay huyết đằng, huyết rồng...) là thuốc có vị đắng chát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, khu phong, dùng để trị đau ruột, đau bụng, bế kinh, đau bụng kinh, phong thấp đau nhức, té sưng. Đây là loại cây thuộc diện tài nguyên rừng nên cần quản lý, bảo vệ, tránh khai thác ồ ạt dần đến kiệt quệ.
Trao đổi với P.V về thực trạng này, ông Ksor Run-Chủ tịch UBND xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) cho biết địa phương vẫn chưa nắm được bất cứ thông tin nào về việc người dân tự ý nào rừng chặt cây dây leo cả. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Hương-Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) thì cho biết: “Việc người dân vào rừng khai thác cây dược liệu là rất khó kiểm soát vì ngành Kiểm lâm không quản lý con người. Trong khi đó việc khai thác cây dược liệu phần lớn do người dân ở địa phương khác đến khai thác, chặt phá. Vừa rồ,i Chi cục cũng đã đề xuất dự án bảo tồn một số loài quý hiếm rồi nhưng tỉnh không có vốn để yêu cầu nhưng hiện đề xuất này vẫn đang còn nằm trên giấy”.
Có lẽ, các ngành chức năng cần có một cơ chế quản lý chặt chẽ hơn với nguồn tài nguyên rừng để tránh tình trạng các dược liệu quý đang dần “chảy máu” ra nước ngoài cũng như để người dân không vì cái lợi trước mắt mà khai thác tràn lan các loại cây này.
Lê Văn Ngọc