Huyện Krông Pa tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Krông Pa là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của huyện cũng như của tỉnh. Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đã 3 lần trực tiếp đi thị sát, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại một số tiểu khu thuộc các xã Ia Hdreh, Chư Drăng, Ia Rmok (huyện Krông Pa) nơi giáp ranh với huyện Krông Năng (tỉnh Đak Lak). Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo huyện cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng đoàn công tác kiểm tra rừng tại khu vực rừng Chư Drăng, huyện Krông Pa. Ảnh: Đức Mạo
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng đoàn công tác kiểm tra rừng tại khu vực rừng Chư Drăng, huyện Krông Pa. Ảnh: Đức Mạo

Huyện Krông Pa hiện có trên 110 ngàn ha rừng và đất đất lâm nghiệp, chiếm 68,1% diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó có 86.287 ha đất có rừng, phân bố trên địa bàn 13 xã trong huyện. Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các chủ rừng và các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại rừng cũng như lấn chiếm đất lâm nghiệp. Các chủ rừng gồm: Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai, Công ty MDF Vinafor Gia Lai, Công ty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến, Công ty cổ phần Việt Á và UBND các xã cùng với Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong huyện nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn huyện Krông Pa, nhất là ở 5 xã phía Nam của huyện gồm: Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Hdreh, Krông Năng và xã Uar vẫn diễn biến phức tạp. Hiện 5 xã phía Nam của huyện còn gần 25.000 ha rừng giáp ranh với một số xã thuộc huyện Ea Hleo và huyện Krông Năng của tỉnh Đak Lak với tổng chiều dài đường giáp ranh là 46,62 km. Việc triển khai công tác quản lý và bảo vệ rừng tại các khu rừng nằm giáp ranh với một số địa phương thuộc tỉnh Đak Lak gặp rất nhiều khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, huyện đã thành lập nhiều đoàn liên ngành cùng với lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý tình trạng dân di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy, sử dụng củi rừng tự nhiên để sấy thuốc lá; tổ chức truy quét, ngăn chặn việc phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép tại các khu vực trọng điểm như xã Krông Năng, Ia Hdreh, Ia Rmok, Chư Drăng, Ia Rsai, Chư Rcăm, Ia Mlah, Đất Bằng. Qua đó, các lực lượng chức năng đã phát hiện 56 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 14 vụ so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, phá rừng làm nương rẫy 5 vụ; khai thác rừng trái phép 4 vụ; mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép 43 vụ; vi phạm quy định về bảo vệ rừng 3 vụ, vi phạm về quản lý bảo vệ động vật rừng 1 vụ. Huyện đã chỉ đạo lực lượng Công an xử lý nghiêm các loại xe độ chế nhằm giảm thiểu tình trạng vận chuyển gỗ trái phép.

 

 Ảnh: Đức Mạo
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được huyện quan tâm. Ảnh: Đức Mạo

Tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pa tháng 9 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã yêu cầu huyện, ngành chức năng, chính quyền các xã làm rõ về vấn đề người dân tự ý phát, lấn chiếm hơn 45 ha rừng do cấp xã quản lý và có hướng xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức liên quan. Năm 2017 trở đi, trên địa bàn huyện không còn trường hợp phá rừng làm nương rẫy, không còn lâm tặc chặt phá rừng, không còn tình trạng vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép; giao cho huyện, ngành chức năng tiến hành kiểm tra tất cả các xưởng gỗ, mộc trên địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng gỗ rừng tự nhiên để chế biến, nếu kiểm tra phát hiện thì kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị liên quan.

Triển khai các biện pháp thu hồi đất rừng từ chân đồi núi trở lên để trồng rừng thay thế. Kiên quyết tháo dỡ tất cả các chòi, rẫy trên núi và thu hồi đất lâm nghiệp người dân lấn chiếm trái phép để triển khai trồng rừng; thường xuyên kiểm tra, nắm chắc số người di dân tự do trên địa bàn, không để xảy ra trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất ở trên địa bàn. Chủ động tham mưu cho tỉnh cấp giao 800 ha đất lâm nghiệp khu vực giáp ranh tỉnh Đak Lak ưu tiên giao cho người dân, doanh nghiệp trồng rừng phát triển sản xuất.
 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, ngày 16-8-2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 546/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Ba, đặt tại huyện Krông Pa, quản lý 23 tiểu khu thuộc địa bàn 5 xã với diện tích trên 24.896 ha. Cụ thể: 2 tiểu khu thuộc xã Ia Rsươm, 8 tiểu khu thuộc xã Uar, 4 tiểu khu thuộc xã Chư Drăng, 7 tiểu khu thuộc xã Ia Rmok và 2 tiểu khu thuộc xã Ia Hdreh.

Ngày 11-11, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa khóa XVI đã tổ chức hội nghị bất thường (mở rộng) lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện”. Mục tiêu của nghị quyết là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; gắn với thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề nổi cộm, bức xúc, các “điểm nóng” về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, phá rừng làm nương rẫy trái phép trên địa bàn trong thời gian qua; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; thực hiện tốt công tác giao rừng, khoán quản lý, bảo vệ rừng đối với các thành phần kinh tế, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để quản lý, phát triển sản xuất và tăng nguồn thu trong lâm nghiệp.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết chuyên đề “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện”, thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau: tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về quản lý, bảo vệ rừng; thực hiện tốt việc thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng gắn với công tác phân loại rừng và xác định ranh giới các loại rừng; đẩy mạnh việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, phá rừng làm rẫy trái phép; thực hiện tốt việc trồng rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan và tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị bằng việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, cộng với sự chung sức của mỗi người dân trong việc tham gia nhận khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, tin rằng huyện Krông Pa sẽ hạn chế đến mức thấp nhất diện tích rừng bị xâm hại; phấn đấu đến năm 2020 nâng độ che phủ rừng toàn huyện lên 53,5%.

Nguyễn Duy Anh
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện

Có thể bạn quan tâm