Huyền thoại Plei Me

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến dịch Plei Me diễn ra từ ngày 19-10 đến 26-11-1965 là đòn đánh phủ đầu của bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên đối với Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1-đơn vị được coi là niềm kiêu hãnh của quân đội Mỹ. 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của chiến thắng này cũng như tinh thần đoàn kết của quân dân các dân tộc Tây Nguyên vẫn còn nguyên giá trị.

Tây Nguyên quyết tâm thắng Mỹ

Những cựu binh tham gia chiến dịch Plei Me giờ đây tuổi cũng đã cao, sức đã yếu. Thế nhưng, qua những hồi ức của họ phần nào khái quát lên được tầm vóc của chiến thắng làm vang dội cả chiến trường, mở đầu cho quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân dân Tây Nguyên.

 

Ông Kpă Glênh chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: V.H
Ông Kpă Glênh chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: V.H

Đầu tháng 10-1965, Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 (Tây Nguyên) quyết định mở chiến dịch Plei Me. Bộ Chỉ huy chiến dịch do Thiếu tướng Chu Huy Mân làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Lực lượng ta có 3 trung đoàn bộ binh (320, 33 và 66); Tiểu đoàn Đặc công 952, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7 mm và lực lượng vũ trang địa phương đánh phá giao thông và hậu cứ của địch.

Cựu binh Siu Hin (ở làng O, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) tâm sự: “Lúc đầu, nhiều người cũng hoài nghi về khả năng thắng được Mỹ, bởi đội quân này thiện chiến với đầy đủ trang-thiết bị hiện đại có máy bay yểm trợ. Thế nhưng với quyết tâm đánh Mỹ bảo vệ quê hương, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương cũng như quân dân trên địa bàn đã một lòng ra trận”.

Chiến dịch được chuẩn bị chu đáo và diễn ra với 2 đợt chiến đấu ác liệt. Đợt 1, từ ngày 19 đến 29-10, ta thực hiện vây điểm diệt viện, tiến công đồn Chư Ho và bao vây đồn Plei Me (19-10), buộc địch đưa lực lượng từ Pleiku đến giải tỏa. Đoán biết được ý đồ của chúng, ta phục kích đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn biệt động quân. Ngày 25-10, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra lệnh mở vây để tập trung đánh Mỹ. Đợt 2, từ ngày 10 đến 26-11-1965, ta nghi binh kéo quân Mỹ đến thung lũng Ia Drăng để đánh trận then chốt quyết định cục diện chiến trường. Tại đây, ta tiêu diệt Tiểu đoàn 2, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1 thuộc Lữ đoàn Kỵ binh không vận số 3. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu 2.974 địch, trong đó có 1.700 lính Mỹ, phá hủy 89 xe quân sự, bắn rơi 59 máy bay.

Quân dân một lòng cho chiến dịch

Trở lại vùng chiến địa năm xưa, chúng tôi được giới thiệu đến gặp cựu binh Kpă Glênh. Ông Kpă Glênh còn khỏe, mặc dù vết thương do chiến tranh để lại đôi lúc làm cho ông phải nằm ở nhà vài ngày không lên rẫy được. Thế nhưng những hồi ức về chiến tranh thì hiện về trong ông khá rõ. Nhiều lần ông nhắc đến những đồng chí mặc dù đi lạc rừng nhưng khi gặp địch một mình có thể tổ chức đánh địch, thấy địch là đánh, ở đâu có tiếng súng là bộ đội lao về hướng đó với quyết tâm tìm Mỹ mà diệt.

Ông kể cho chúng tôi nghe nhiều gương chiến đấu anh dũng của đồng đội, hay sự hy sinh thầm lặng của nhân dân các dân tộc nơi đây trong cuộc chiến năm xưa. Trong đó, câu chuyện về chị H’Nge ở xã E9, khi tham gia làm giao liên, bế con dẫn bộ đội vượt đồn địch vào vị trí tập kết, vô tình con khóc chị đã bịt miệng con, khi đến vị trí tập kết thì đứa bé đã chết. Cán bộ hỏi chị tại sao làm vậy, chị chỉ nói đơn giản: “Con tôi khóc, nếu vì con mà bộ đội chết thì tôi có tội với đất nước, tôi đành để mất con chứ không thể mất nước”… Ông tiếp: “Trong chiến dịch Plei Me, nhóm dân quân khỏe mạnh thông thạo địa hình được giao nhiệm vụ dẫn đường, trinh sát vận chuyển lương thực và đạn dược; nhóm khác làm nhiệm vụ bảo vệ và sơ tán dân; nhóm thứ ba làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực thực phẩm, tải thương, giải quyết chiến trường… Mặc dù làm việc trong điều kiện hết sức nguy hiểm nhưng chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Để đảm bảo có lương thực cho bộ đội tham gia trận quyết tử với Mỹ, vụ mùa năm 1965, nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã góp toàn bộ lương thực sản xuất được, chỉ để lúa giống cho mùa sau. Hàng ngàn người dân đã tham gia dân công vận chuyển vũ khí, lương thực, tải thương… góp phần cùng bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng oanh liệt của Tây Nguyên.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm