Ia Bang duy trì nghề đan gùi truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với bàn tay khéo léo, những người làm nghề đan lát ở xã Ia Bang (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã biến những ống tre nứa thành những chiếc gùi độc đáo và chính việc làm này đã góp phần duy trì nghề đan gùi truyền thống của đồng bào Jrai.
Có mặt tại làng Bang Ngol trong một chiều cuối năm, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhiều người già đang cần mẫn ngồi đan gùi trước nhà. Ông Rơ Châm Blac năm nay đã gần 80 tuổi nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh, đôi tay vẫn nhanh nhẹn vót từng chiếc lạt để đan gùi.
Ông bảo: “Tuổi cao không còn sức lao động nên mình dành thời gian ngồi đan gùi tặng người thân hoặc để đổi công. Trung bình mỗi tháng, mình đan 10-12 chiếc gùi”.
Ông Rơ Châm Blac (làng Bang Ngol, xã Ia Bang, huyện Chư Prông) đang đan gùi. Ảnh: Nhật Hào
Theo ông Blac, mỗi chiếc gùi gồm 3 phần chính là đế, thân và dây đeo. Để tạo ra được chiếc gùi đẹp và bền thì phải chọn những cây lồ ô, tre hoặc nứa già để có độ dẻo và không bị mối mọt. “Gùi đẹp đòi hỏi phải tạo được hoa văn đặc sắc trên thân gùi. Hoa văn phải thể hiện được nét văn hóa độc đáo như hình ảnh về nhà rông, đồng ruộng, núi rừng… Điều này đòi hỏi sự khéo léo nên chỉ những người già có kinh nghiệm lâu năm mới làm được”-ông Blac cho hay.
Ngồi bên cạnh phụ bố chẻ lạt, anh Siu Lớp chia sẻ: “Lạt phải đều, khi đan không bị hở và tạo được tính thẩm mỹ cho chiếc gùi. Ngày mới tập đan, tôi được bố chỉ dạy cách chẻ lạt thường xuyên nên giờ đã thành thạo hơn. Mỗi chiếc gùi tôi cũng chỉ mất từ 3 đến 4 ngày là hoàn thành”.
Rời nhà ông Blac, chúng tôi tiếp tục tới gia đình ông Kpuih Đoàn. Nghe chúng tôi hỏi chuyện, ông Đoàn nhanh tay đặt chiếc gùi đang đan dở xuống thềm nhà khoe: “Chiếc gùi này tôi đan để tặng con gái nên hơi cầu kỳ về hoa văn. Để tiết kiệm thời gian, khi đi chăn bò, tôi cũng mang theo đan 3 hôm nay. Khi hoàn thành chiếc gùi này, tôi lại tiếp tục đan để tặng cho người thân trong gia đình”.
Gùi của ông Kpuih Đoàn được nhiều người dân trong làng mua về sử dụng. Ảnh: Nhật Hào
Theo lời ông Đoàn, ngày trước, người Jrai thường quan niệm con trai phải biết đan gùi mới lấy được vợ. Vì thế, mỗi lần ngồi đan gùi, cha đều gọi ông tới ngồi bên cạnh để chỉ cách chẻ lạt, đan gùi. Nhờ được truyền dạy, ông biết đan gùi từ nhỏ. Mỗi chiếc gùi ông đan chỉ mất 2-5 ngày với giá bán 200-500 ngàn đồng.
“Ngày trước, hầu như đàn ông trong làng ai cũng biết đan gùi. Hiện nay, nguyên liệu đan gùi cạn kiệt nên đa số chỉ những hộ nào trồng được tre, nứa trên rẫy mới có nan để duy trì nghề này. Riêng tôi không có rẫy nên phải mua với giá 50-100 ngàn đồng/cây tre từ người dân các xã khác”-ông Đoàn nói.
Ông Dương Công Thọ-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Bang-thông tin: Toàn xã hiện có hơn 50 người biết đan gùi. Những sản phẩm do bà con làm ra có hoa văn khá sắc sảo và đa số họ cũng muốn duy trì và truyền nghề đan gùi lại cho con cháu.
“Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ lại không mấy mặn mà với việc đan lát. Vì vậy, để nghề không bị mai một, xã khuyến khích người dân duy trì nghề truyền thống. Dự kiến tới đây, xã sẽ thành lập tổ hội nghề nghiệp để các hộ dân được trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật đan lát, nhất là lớp trẻ. Đồng thời, xã cũng sẽ kết nối tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nhằm giúp người dân có thêm thu nhập”-Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm. 
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm