Lãnh đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông thăm gia đình Siu Droch. Ảnh: Đ.Y |
Cũng như Siu Droch, mẹ anh buồn và lo nhiều. Bởi lệ tục lâu nay là đẻ sinh đôi, sinh ba nghĩa là bị ma ám, phải giết những đứa sinh sau. Giết rồi bỏ vào rừng để con ma không biết cách quay về quậy phá. Tin đến tai ông trưởng họ và dân làng. Thế là cả dòng họ đánh mấy chuyến công nông lên Trung tâm Y tế xem vợ thằng Droch sinh đôi như thế nào. Nhiều người còn lăm lăm theo gậy. Trong đầu ai cũng chỉ có một ý nghĩ đen tối đang réo sôi: Giết chết đứa bé! Droch linh tính biết được và nói chuyện với ông trưởng họ nhưng vẫn không xong.
Đến ngày Droch đưa vợ con về nhà. Vừa đến đầu làng, chị Klơng- vợ Droch đã bị gia đình nhà chồng đuổi ra khỏi nhà, bảo nếu không giết đứa bé thì đừng về làng và dọa giết luôn cả mẹ lẫn con. Droch không tin cái lệ tục lạ đời và tàn nhẫn này nên đã báo tin cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông. Phòng lập tức cử cán bộ đến khuyên bảo gia đình và giải thích cho dân làng hiểu rằng đây là việc bình thường.
Siu Droch rất thương vợ con. Bản thân anh cũng quyết liệt phản đối việc giết chết một đứa con do vợ mình đứt ruột đẻ ra. Nhưng một mình Siu Droch cũng không chống lại được hủ tục đã tồn tại từ hàng ngàn đời nay. Để cứu sống con, anh đã âm thầm động viên vợ bế con đến nhà bố mẹ đẻ để thuyết phục nhờ ông bà nuôi hộ. Hàng ngày, khi thì Siu Droch sang thăm con, khi thì Klơng trốn bố mẹ chồng sang cho con bú. Đứa bé dần lớn lên trong những cơn khát sữa và thèm hơi ấm của mẹ. Thương con, thương cháu nhưng bóng ma sinh đôi vẫn còn ám ảnh nên có ai hỏi về đứa bé, gia đình Siu Droch rất hoảng sợ. Quá trình tuyên truyền của cán bộ thôn như mưa dầm thấm đất, dòng họ và gia đình Siu Droch đã nhận thức việc làm của mình là không đúng và làm giấy cam đoan sẽ không giết một trong 2 đứa bé nữa, mà sẽ chăm sóc các cháu thật chu đáo.
Cái lệ tục tàn nhẫn như vậy tất sẽ có người chống lại. Anh trai của Droch cho biết: “Ban đầu cả dòng họ mình buồn và lo lắm. Nhưng khi được chính quyền giải thích cái đầu mình sáng ra, mình đã chuẩn bị tinh thần để bảo vệ các cháu. Cả tháng trời nhà mình lúc nào cũng rất đông người vào ra và bàn tán về hai đứa trẻ. Ngày ngày mình túc trực để nói với bà con rằng hai đứa trẻ này sinh ra cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, chẳng có gì khác biệt cả. Và mọi người đã hiểu ra. Lúc ấy, mình mới thấy lòng nhẹ nhõm.
Ông Siu Íp- Trưởng thôn Dơ Bang, xã Ia Bang, chia sẻ. “Từ trước đến giờ chưa có trường hợp nào sinh đôi xảy ra trong thôn lại thêm hủ tục ngày xưa. Dân làng rất sợ. Nhưng giờ thì mọi người đã hiểu rồi. Chỉ mong vợ chồng Siu Droch sẽ nuôi chúng thành người”.
Bà Lê Thị Hải Yến- Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông, nhìn nhận: “Vấn đề đặt ra đối với những người làm công tác xã hội như chúng tôi là cần có biện pháp phù hợp nâng cao nhận thức của bà con, hướng dẫn để bà con nghiêm túc chấp hành pháp luật”.
Đinh Yến