Ia Dom-xã nông thôn mới đầu tiên trên tuyến biên giới Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, chỉ trong 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ có bước chuyển mình mạnh mẽ và sớm được công nhận là xã biên giới đầu tiên ở Tây Nguyên hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Có được thành quả trên là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và một phần giúp đỡ của những người lính mang quân hàm xanh.

Giúp dân là trách nhiệm

Là địa bàn biên giới, xã Ia Dom có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống Jrai, Kinh, Tày, Nùng với lối sống tập trung, chăm lo lao động, sản xuất. Tuy nhiên trình độ dân trí không đồng đều, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ xuất phát điểm thấp, khi bắt tay vào chương trình xây dựng NTM (năm 2011), nền kinh tế phát triển chậm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng không đồng bộ, thiếu hợp lý, tư duy sản xuất hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo trong xã vẫn còn cao (chiếm 21,84 %)… điều này tác động rất lớn đến việc huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư xây dựng NTM. Bên cạnh đó, địa phương còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, quá trình triển khai còn chậm, chưa đáp ứng được so với yêu cầu, kết cấu cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm còn thiếu. Trước những khó khăn nêu trên, để xây dựng, thực hiện 19 tiêu chí về xây dựng NTM theo lộ trình đã đề ra là điều tưởng chừng như không thể.

 

Xây dựng sân bê tông ở Nhà Văn hóa cộng đồng xã Ia Dom. Ảnh: N.G

Xác định rõ khó khăn và tiềm lực tại chỗ, năm 2014, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo, giao cho lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đỡ đầu xã Ia Dom thực hiện chương trình xây dựng NTM. Bắt tay vào việc, Đảng ủy-Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai xác định việc đầu tư hỗ trợ xây dựng địa bàn biên giới là trách nhiệm của mỗi người lính Biên phòng, trong đó chú trọng hỗ trợ về nhân lực, kết hợp đầu tư một số công trình, cơ sở hạ tầng mang tính trọng điểm. Bên cạnh huy động lực lượng tại chỗ là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Bộ Chỉ huy đã thành lập bộ phận chuyên trách xây dựng NTM do Thiếu tá Vũ Văn Hoằng-cán bộ tăng cường làm tổ trưởng. Mỗi cán bộ một nhiệm vụ được đặt ra với việc bám sát các thôn làng, tăng cường công tác tuyên truyền vận động kết hợp giúp bà con và chính quyền cơ sở trên tất cả mọi lĩnh vực.

Chia sẻ về những trải nghiệm trong quá trình xây dựng NTM, Thiếu tá Vũ Văn Hoằng cho biết: “Việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ của tổ chuyên trách xây dựng NTM tuy mới mẻ, song có thể nói đây là bước phát triển mới của công tác vận động quần chúng xây dựng địa bàn mà lực lượng Bộ đội Biên phòng đã làm từ bao năm qua. Bước đầu, chúng tôi đã tiến hành rà soát, kiểm tra thực tế tình hình đời sống kinh tế-xã hội, kết cấu hạ tầng, qua đó, đề ra giải pháp cụ thể, kịp thời làm công tác tham mưu, đề xuất giúp đỡ hỗ trợ chính quyền địa phương triển khai đảm bảo đúng lộ trình xây dựng NTM đề ra. Tình quân dân nơi tuyến biên giới được đặt lên hàng đầu, nên mọi khó khăn khi mới triển khai luôn kịp thời được tháo gỡ, hoàn thành đúng thời gian”.

Quả ngọt từ sức dân, công lính

Qua 2 năm bám làng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ địa phương trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, xây dựng bộ mặt nông thôn biên giới phát triển bền vững, bộ mặt thôn làng biên giới trên địa bàn xã Ia Dom đã có những đổi thay tích cực. Đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được quy hoạch bài bản và trải nhựa, bê tông phẳng lỳ. Đời sống kinh tế của người dân không ngừng được cải thiện nâng cao. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 7,12 triệu đồng (bằng 1/2 mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Gia Lai) thì hiện nay con số đó là 23,19 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm mạnh, từ 310 hộ (năm 2011) xuống còn 94 hộ (năm 2015) chiếm tỷ lệ 5,75%, chủ yếu là những trường hợp người già yếu, neo đơn không nơi nương tựa…

 

Mô hình phát triển vườn tiêu hộ gia đình do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh xây dựng phát huy hiệu quả tại xã Ia Dom. Ảnh: N.G

Bên cạnh đó, bằng tấm lòng sẻ chia của mình, những người lính mang quân hàm xanh đã hỗ trợ vật chất giúp xã Ia Dom xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa trị giá 300 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh ở các thôn làng, góp phần cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Để người dân tin và thực hiện, các ngành, đoàn thể ở địa phương như: Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên… tập trung vận động hướng dẫn hội viên gương mẫu đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao để nhân rộng trên tất cả các thôn làng. Kinh tế từng bước được cải thiện, ý thức cộng đồng được nâng cao giúp cho công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm thông thoáng sạch đẹp… là những thuận lợi, tạo đà cho việc bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu.

Theo tổng hợp của xã, trong năm 2015, diện tích gieo trồng cây nông nghiệp toàn xã Ia Dom đạt hơn 1.000 ha, tăng gần 200% so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 200 ha so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, diện tích cây công nghiệp dài ngày tăng theo hướng tích cực, trong đó có 282 ha cao su tiểu điền, 377 ha cà phê, 99,4 ha hồ tiêu, 449 ha điều đã cho thu hoạch. Đây không chỉ là một nguồn thu lớn về mặt kinh tế của người dân xã Ia Dom mà còn là minh chứng cho lòng quyết tâm vượt qua đói nghèo, sự thay đổi về tư duy sản xuất của bà con nông dân dân tộc thiểu số khi tiếp cận với nhóm cây, hàng hóa cho thu nhập cao.

Xã Ia Dom hôm nay đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương nông dân sản xuất giỏi như hộ gia đình ông Hoàng Văn Thanh, dân tộc Tày (làng Mook Đen) sở hữu 6 ha cao su kinh doanh, 4 ha mì, mỗi tháng cho thu nhập hơn 15 triệu đồng. Đặc biệt là trường hợp anh Rơ Châm Tích, dân tộc Jrai (làng Mook Đen 1), trước đây thuộc diện hộ nghèo, qua sự giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ Biên phòng, hiện mỗi năm gia đình anh thu nhập được từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng từ cây cà phê, cao su. Đây có thể nói là “con số trong mơ” đối với một nông dân dân tộc thiểu số vùng biên giới.

Qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã Ia Dom, kết quả đã đạt được khả quan. Theo thống kê, tổng kinh phí mà xã Ia Dom đã đầu tư xây dựng NTM là 52,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách (trung ương, tỉnh, huyện hơn 24,4 tỷ đồng. Nguồn vốn trực tiếp hơn 4,6 tỷ đồng, doanh nghiệp hơn 3 tỷ đồng, vốn vay tín dụng hơn 20 tỷ đồng, vốn dân đóng góp hơn 2,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện phong trào “Chung tay xây dựng NTM”, doanh nghiệp, đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn hỗ trợ kinh phí hàng tỷ đồng xây dựng mái ấm cho người nghèo, các công trình dân sinh, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng biên giới.

Ông Ngô Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho biết: Dấu ấn của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng NTM không chỉ nhìn thấy qua con số đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn mà còn thể hiện đậm nét trong từng việc làm thiết thực của mỗi người lính. Thời gian qua, tổ chuyên trách xây dựng NTM Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh và CBCS Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường bám địa bàn, bám sát từng hộ gia đình để làm công tác dân vận. Nhờ đó, bà con tích cực tham gia đóng góp của cải, vật chất và ngày công để xây dựng các công trình công cộng. Nhiều hộ gia đình còn đóng góp tiền của vật chất cùng với địa phương xây dựng nhà ở cho người có công, nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà tạm bợ dột nát.

Xã Ia Dom sẽ không “cán đích” xây dựng NTM nếu không có sự giúp đỡ hỗ trợ đầy trách nhiệm của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Đây là chính là sức mạnh của tình đoàn kết quân dân, là điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM ở tỉnh Gia Lai-ông Võ Ngọc Thành-Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết. 

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm