Xã hội

Đời sống

Ia Grai: 244 cặp tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 29-6, bà Đinh Thị Giang-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã có buổi giám sát thực hiện quy định của pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ia Grai.

Làm việc với đoàn giám sát có Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Lân Hưng cùng đại diện các phòng, ban chuyên môn và hội đoàn thể của huyện.

Quang cảnh Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với huyện Ia Grai. Ảnh: Anh Huy

Tại buổi giám sát, đại diện Phòng Dân tộc huyện Ia Grai báo cáo kết quả thực hiện quy định của pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2021 đến nay. Theo đó, tỷ lệ dân tộc thiểu số hiện chiếm 46,86% dân số toàn huyện. Huyện Ia Grai đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo và bố trí 917 triệu đồng để thực hiện các biện pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương triển khai nhiều hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn giáo dục giới tính nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể, Phòng Dân tộc huyện đã in 7.500 tờ rơi cấp phát cho cán bộ thôn, làng và nhân dân trên địa bàn; lắp đặt 4 pano về tuyên truyền tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 4 xã: Ia Chía, Ia O, Ia Grăng, Ia Khai và sử dụng phim tài liệu, tiểu phẩm làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với Phòng Dân tộc, UBND các xã xây dựng, duy trì hoạt động 6 Câu lạc bộ “Phụ nữ phòng-chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; Huyện Đoàn xây dựng 4 Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”; Trung tâm Y tế phối hợp với các ngành, các xã, thị trấn duy trì 8 mô hình liên quan đến sức khỏe sinh sản và giới tính...

Tuy nhiên, qua thống kê từ năm 2021 đến nay, toàn huyện có 250 cặp tảo hôn, trong đó có 244 cặp tảo hôn là đồng bào dân tộc thiểu số. Về độ tuổi, nữ từ 15 đến dưới 18 tuổi chiếm 85% và từ 13 đến 15 tuổi chiếm 15%; nam độ tuổi từ 18 đến dưới 20 tuổi chiếm khoảng 60% và từ 15 đến dưới 18 tuổi chiếm khoảng 40%. Đại diện các phòng, ban chuyên môn cũng nêu rõ nguyên nhân: Do trình độ nhận thức còn hạn chế, chưa hiểu hết những hệ lụy của việc tảo hôn; gia đình thiếu lao động nên muốn con cái kết hôn sớm để gánh vác việc nhà; công tác xử lý vi phạm hành chính chưa quyết liệt,... Từ năm 2021 đến nay, địa phương xử phạt 1 trường hợp vi phạm liên quan đến tảo hôn tại làng Kăm (xã Ia Krái) với số tiền 2 triệu đồng.

Thay mặt đoàn giám sát, bà Đinh Thị Giang ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của huyện trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống trên địa bàn. Tuy nhiên, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng đề nghị địa phương cần phải có những giải pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong thời gian tới. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; rà soát, đưa các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình vào hương ước, quy ước thôn, làng và đánh giá kết quả thực hiện; phát huy hiệu quả đội ngũ già làng, trưởng thôn, người uy tín và các tuyên truyền viên ở cơ sở...

Có thể bạn quan tâm