Báo xuân

Ia Grai: Hướng đến phát triển bền vững, toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2018, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả các mặt hàng nông sản giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Ia Grai. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự giám sát của HĐND huyện, sự điều hành của UBND huyện, kinh tế-xã hội huyện vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả tích cực.
Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Nghị quyết của HĐND huyện về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018, UBND huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả và thiết thực. Trong năm qua, kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất tăng cao so với năm trước, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, quốc phòng-an ninh được giữ vững, tình hình an ninh chính trị ổn định. Tổng giá trị sản xuất năm 2018 đạt hơn 8.168 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2017. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 122,9% dự toán tỉnh giao và đạt 114,8% dự toán HĐND huyện đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với năm 2017.
Một góc trung tâm huyện Ia Grai. Ảnh: L.N
Năm 2018, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt hơn 48.977 ha (đạt 130% kế hoạch), sản lượng lương thực đạt 21.348 tấn. Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, huyện đã chỉ đạo, vận động người dân đổi mới phương thức sản xuất, sử dụng các loại giống mới, sản xuất theo định hướng, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, xác định cà phê là cây trồng chủ lực, huyện tiếp tục thực hiện đề án tái canh cây cà phê trên địa bàn giai đoạn 2015-2020. Trong năm, người dân và các doanh nghiệp đã xuống giống được 678 ha, đạt 127% kế hoạch tỉnh giao. Để giúp người dân tái canh, huyện đã cấp 210.000 cây giống cà phê TRS1. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh lở mồm long móng, heo tai xanh, cúm gia cầm và bệnh dại trên động vật. Tiêm phòng 13.825 liều vắc xin lở mồm long móng, 11.750 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò, 10.000 liều vắc xin kép heo (tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả)... Nhờ đó, tình hình chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm và thủy sản phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh.
Song song với việc phát triển kinh tế nông nghiệp, các ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ cũng tăng trưởng ổn định. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng đạt 2.757 tỷ đồng (tăng 10,9% so với năm 2017). Các sản phẩm chủ yếu như xay xát lương thực 21.100 tấn; đá xây dựng 510.000 m3; sản phẩm cơ khí 353 tấn; hàng mộc 495 m3; điện thương phẩm hơn 2,2 tỷ kWh; phân vi sinh 38.600 tấn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.994,6 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 18% so với năm 2017. Các sản phẩm bán lẻ gồm: hàng nông sản, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu... phong phú, đa dạng, cung ứng kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các loại hình dịch vụ phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ đời sống và tinh thần của người dân. Hoạt động tài chính, ngân hàng có nhiều tiến bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Cà phê là cây trồng chủ lực của huyện Ia Grai. Ảnh: L.N
Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng được quan tâm và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được đầu tư sửa chữa và xây mới. Hoạt động dạy và học được đảm bảo theo đúng kế hoạch, chất lượng dạy và học được nâng lên. Năm học 2018-2019, toàn huyện có 22 trường đạt chuẩn quốc gia; tổng số học sinh 27.667 em. Đồng thời, triển khai tốt các chương trình tăng cường tiếng Việt cho trẻ Mầm non, học sinh Tiểu học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được huy động ra lớp đạt 92,9%. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, mở rộng xuống tận vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, phòng-chống dịch bệnh đạt nhiều kết quả tích cực. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống một cách rõ rệt. Tính đến cuối năm 2018, số hộ nghèo còn 1.908 hộ, chiếm 7,24% (giảm 3,26% so với năm 2017).
Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Đặc biệt, huyện đã ban hành quy định bộ tiêu chí làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2020. Theo đó, đến cuối năm 2018, toàn huyện có 3 làng đạt chuẩn làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: làng Jút 2 (xã Ia Dêr), làng Me (xã Ia Hrung), làng Dút 1 (xã Ia Sao). Đến nay, toàn huyện đạt 154 tiêu chí (tăng 33 tiêu chí so với cuối năm 2017), bình quân mỗi xã đạt 12,8 tiêu chí. Cụ thể, xã Ia Sao đạt 17 tiêu chí (đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016); 3 xã Ia Dêr, Ia Hrung, Ia Yok đạt 19 tiêu chí; Ia Bă đạt 14 tiêu chí; Ia Tô 11 tiêu chí; còn lại 6 xã (Ia Pếch, Ia Chía, Ia O, Ia Krai, Ia Khai, Ia Grăng) đạt 8-10 tiêu chí.
Thác Mơ (xã Ia Khai) là điểm du lịch hấp dẫn ở huyện Ia Grai. Ảnh: L.N
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2019:
- Tổng giá trị sản xuất đạt hơn 9.083 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2018.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng.
- Tổng sản lượng lương thực 21.731 tấn, tăng 1,8%.
- Tổng thu ngân sách đạt hơn 58,4 tỷ đồng.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5,24%.
- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới: 2 xã (tổng cộng đến cuối năm 2019 có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới).
- Duy trì tỷ lệ xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế: 100%.
- Tỷ lệ che phủ của rừng (tính cả cây cao su trồng trên đất lâm nghiệp): 20,1%.
- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 99,4%.
Có thể nói, kết quả đạt được trong năm 2018 là nền tảng vững chắc để huyện Ia Grai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu năm 2019. Đây là năm thứ 4 thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh giai đoạn 2016-2020.
 DƯƠNG MAH TIỆP
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Có thể bạn quan tâm