Ia Grai trước thềm năm học mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, UBND huyện Ia Grai đã tập trung chỉ đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), các ngành liên quan và các xã, thị trấn trên địa bàn tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất

 

Trên cơ sở các nguồn đầu tư, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT, Ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng huyện triển khai công tác tu sửa và xây dựng trường lớp chuẩn bị cho năm học 2017-2018. Đến nay, huyện đã giải ngân gần 39 tỷ đồng thuộc nguồn vốn của huyện và tỉnh để xây dựng, sửa chữa 18 công trình, trong đó có 1 công trình xây dựng mới. Ông Nguyễn Đức Thừa-Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng huyện, cho biết: “Trong thời gian hè, Ban thường xuyên đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo tất cả công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay từ đầu năm học 2017-2018. Các công trình đều đảm bảo chất lượng và không có công trình bị chậm tiến độ so với kế hoạch”.
 

Ông Lê Ngọc Quý-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ia Grai: “Trong năm học này, UBND huyện tập trung chỉ đạo Phòng GD-ĐT tăng cường công tác giáo dục toàn diện và quản lý học sinh. Đặc biệt là công tác duy trì sĩ số học sinh gắn với giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai đồng bộ các giải pháp để củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi, gắn với coi trọng việc giúp đỡ học sinh học lực yếu kém và khắc phục tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học”.

Về cơ sở vật chất, toàn huyện có 766 phòng học, 117 phòng làm việc, 94 phòng phục vụ học tập. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quang Thuấn-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Grai, cho biết: “Đến nay, huyện không còn phòng học tạm. Cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu năm học mới. Đặc biệt, huyện đã đầu tư gần 17 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ chia tách Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ thành 2 trường: THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Năm học này, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm có 12 lớp với 493 học sinh, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ có 11 lớp với 234 học sinh”.
 

Ảnh: T.N

Ngoài ra, UBND huyện còn phân bổ kinh phí cho Phòng GD-ĐT để mua sắm bổ sung 440 bộ bàn ghế học sinh, trang bị 1 phòng học vi tính cho Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học  

Theo thống kê, toàn ngành hiện có 1.226 cán bộ, giáo viên, trong đó có 1.001 giáo viên trực tiếp giảng dạy, 131 cán bộ quản lý và 94 nhân viên. Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD-ĐT huyện đã chủ trì, phối hợp với các phòng ban liên quan tổ chức 14 lớp bồi dưỡng chính trị hè cho cán bộ, viên chức. Đồng thời, Phòng GD-ĐT cũng đã tổ chức 23 lớp bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các bậc học. Bên cạnh đó, Phòng còn phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu, đề xuất UBND huyện ban hành quyết định bổ nhiệm mới 16 chức danh và bổ nhiệm lại 19 chức danh; tham mưu UBND huyện ban hành quyết định thuyên chuyển theo nguyện vọng đối với 20 giáo viên và 3 nhân viên.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thuấn cũng cho biết thêm: “Năm học 2017-2018, số lượng giáo viên còn thiếu so với quy định là 197 người (Mầm non 97 người, Tiểu học 65 người, THCS 35 người). Phòng đang đề xuất phương án hợp đồng giáo viên cũng như nhu cầu kinh phí chi trả để các đơn vị trường học hoạt động ổn định trong năm học mới”.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm