Ia Pa: Giảm thiểu học sinh bỏ học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp duy trì sĩ số học sinh nên trong học kỳ I năm học 2017-2018, tình hình học sinh bỏ học ở “điểm nóng” Ia Pa đã giảm đáng kể.

Mùa thu hoạch mì của đồng bào Jrai ở huyện Ia Pa bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Ia Pa Phạm Minh Đức, đây là thời điểm tăng “nóng” về số lượng học sinh vắng học dài ngày và bỏ học. Bởi lẽ, các em phải theo cha mẹ lên rẫy phụ giúp nhổ mì.

 

Nhiều trường tiểu học ở huyện Ia Pa tổ chức dạy 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng duy trì sĩ số học sinh. Ảnh: Đ.P
Nhiều trường tiểu học ở huyện Ia Pa tổ chức dạy 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng duy trì sĩ số học sinh. Ảnh: Đ.P

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trong năm học 2016-2017, toàn huyện Ia Pa có 267 học sinh bỏ học, chiếm 2,2% tổng số học sinh, tăng 0,7% so với năm học trước. Tình hình “nóng” đến mức tháng 4-2017, Thường trực Huyện ủy phải làm việc với ngành GD-ĐT với sự tham dự của Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND các xã để tìm giải pháp tháo gỡ. Buổi làm việc đã thống nhất giải pháp huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với ngành GD-ĐT triển khai ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học. Bí thư Huyện ủy Ia Pa Võ Anh Tuấn giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động các gia đình không để học sinh bỏ học hoặc nghỉ học dài ngày. Sau đó, tình hình dạy và học đã có nhiều chuyển biến.

Mới đây, có một học sinh lớp 9 của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện đột nhiên nghỉ học dài ngày. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, UBND huyện chỉ đạo một nhóm công tác trực tiếp đến nhà ở làng Chư Gu (xã Pờ Tó) để gặp gỡ, động viên em nhanh chóng trở lại lớp học.

Buôn Bầu (xã Ia Kdăm) là một trong những “điểm nóng” nhất huyện về tình trạng học sinh nghỉ học dài ngày để theo cha mẹ lên rẫy. Người dân buôn Bầu vẫn duy trì rẫy canh tác từ xưa đến nay ở tận vùng rừng núi cách trung tâm xã 1 ngày đi bộ. Ở đó, họ có nhà rẫy, có hệ thống điện mặt trời đảm bảo cho việc ăn ở dài ngày. Cứ vào mùa thu hoạch mì là gần như người buôn Bầu kéo hết lên ở nhà rẫy. “Lúc đó, 2 lớp học ở điểm trường buôn Bầu vắng hoe, giáo viên đến ngồi canh bàn ghế chán rồi về”-thầy Rơ Mah Kuan-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Kdăm), bày tỏ.   

Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện Ia Pa đã thành lập 1 đoàn cán bộ do Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Huỳnh Vĩnh Hương dẫn đầu trực tiếp vào tận khu nhà rẫy ở núi Blô để nắm bắt tình hình và vận động người dân cho trẻ về nhà đi học. Đoàn phải đi từ tờ mờ sáng đến chập tối mới đến nơi. Đường rừng hiểm trở, phải 14 lần khiêng xe máy qua suối, hết đường phải để xe lại bìa rừng rồi đi bộ một quãng dài mới đến rẫy. “Người dân thì ủng hộ chuyện cho con em đi học, nhưng khó nhất là bố mẹ phải đi làm rẫy xa còn các em nhỏ ở nhà không ai chăm sóc. Sau khi vận động người dân ký cam kết cho các em trở lại trường học, học kỳ I năm học 2017-2018, cả 15 học sinh của buôn Bầu đã đi học đều”-thầy Rơ Mah Kuan phấn khởi nói.

Tăng cường tiếng Việt

Đối với ngành GD-ĐT huyện Ia Pa, việc huy động học sinh đến lớp đã khó nhưng duy trì sĩ số lại càng khó hơn. Trong tổng số 11.727 học sinh thì có đến 8.600 học sinh dân tộc thiểu số. Một trong những trở ngại lớn nhất đối với các em học sinh dân tộc thiểu số chính là khả năng giao tiếp, đọc, viết tiếng Việt còn nhiều hạn chế. Chính vì thế, giải pháp mấu chốt được Phòng GD-ĐT huyện triển khai quyết liệt là tăng cường tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh Tiểu học. “Các trường học phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là những trường có điều kiện thì tổ chức học 2 buổi/ngày để có thời gian dạy tăng cường Toán và tiếng Việt cho học sinh; còn những nơi khó khăn hơn thì giảm thời lượng các môn học khác để có thời gian tăng cường môn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số”-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Pa nói.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kpă Klơng cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Phòng GD-ĐT, đầu năm học này, nhà trường rút 4 lớp học ở 3 điểm trường lẻ tại buôn Bầu, H’Bel và Chrô Kố về trường chính để tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, nhà trường huy động tất cả giáo viên buổi sáng dạy 4 tiết theo chương trình khung, còn buổi chiều tăng cường thêm 3 tiết tiếng Việt. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên phải tận dụng thời gian để giao tiếp bằng tiếng Việt với học sinh giúp các em bớt rụt rè.

Được biết, ngay từ đầu năm học, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tổ chức khảo sát năng lực môn Tiếng Việt của học sinh, cuối học kỳ I sẽ có kiểm tra để khảo sát nhằm phân loại học sinh và có giải pháp giúp đỡ. “Trường cũng đưa tiêu chí đọc thông, viết thạo tiếng Việt của học sinh vào bản đăng ký thi đua hàng năm của giáo viên để nâng cao trách nhiệm của các thầy-cô giáo trong việc giảng dạy”-cô Nguyễn Thị Ngần-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (xã Ia Trok), cho biết.

Với việc triển khai các giải pháp thiết thực, học kỳ I năm học 2017-2018, toàn huyện chỉ còn 5 học sinh bỏ học, giảm 261 học sinh so với cuối năm học trước.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm