Ia Pa: Nhiều hộ dùng biogas trong chăn nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với ưu điểm vừa ngăn chặn được các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, vừa tạo được nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, mô hình hầm biogas đang được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Ia Pa nói riêng áp dụng và đánh giá cao về hiệu quả sử dụng.

Ia Pa là huyện khá phát triển về chăn nuôi. Ngoài bò và dê là hai loại gia súc chiếm số lượng nhiều thì heo cũng được nhiều người dân trên địa bàn đầu tư phát triển khá mạnh. Tổng đàn gia súc toàn huyện hiện có 70.382 con. Trong đó, đàn trâu có 616 con, đàn bò có 29.870 con (bò lai chiếm 3.502 con), đàn dê có 8.538 con và đàn heo có 31.358 con.
 

Ông Haio Kuen phấn khởi trước hiệu quả mà hầm biogas này mang lại. Ảnh: H.T

Những năm qua, cùng với sự phát triển chăn nuôi heo theo hướng sản xuất hàng hóa thì số lượng heo được chăn nuôi ngày một tăng lên. Chất thải chăn nuôi cũng vì thế ngày một nhiều và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tận dụng chất thải trong chăn nuôi nhằm tạo ra năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt, một số hộ dân trên địa bàn huyện đã xây dựng mô hình hầm khí biogas bằng túi ni lông, hầm nhựa, hầm xây.

Đặc biệt là hầm xây được người dân xây dựng nhiều kể từ khi có dự án “Chương trình khí sinh học dành cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Cục Chăn nuôi, thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Tổ chức Hợp tác phát triển Hà Lan thực hiện. Sau khi Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai, Trạm Khuyến nông đã tích cực tuyên truyền, vận động và tập huấn để người dân áp dụng có hiệu quả mô hình. Đến nay, hầu hết các hộ dân sử dụng hầm biogas đều phấn khởi trước những kết quả mà mô hình mang lại.

Anh Phan Văn Phụng, ở thôn Ia Ma Rin 1, xã Ia Mrơn là một trong những hộ sớm áp dụng hiệu quả mô hình này. Hiện anh đang chăn nuôi gần 60 con heo với 2 hầm biogas được xây hàng chục triệu đồng. Anh khoe: “Giờ gia đình tôi và những hộ gia đình bên cạnh không còn bị ảnh hưởng bởi mùi hôi bốc lên từ phân heo. Tất cả đều được xử lý qua 2 chiếc hầm này. Lượng khí đốt làm ra cũng nhiều nên gia đình tôi có thể thoải mái sử dụng nấu ăn cũng như nấu cháo cho heo mà không cần phải đi mua củi hay mua gas công nghiệp như trước”.

Không kém phần phấn khởi, ông Haio Kuen ở thôn Ia Ma Rin 1, xã Ia Mrơn cũng chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống chăn nuôi heo lai từ lâu. Trung bình mỗi lứa tôi nuôi 20-25 con. Trước đây, chất thải chăn nuôi thường được thải ra khoảng đất trống ở phía sau vườn nên đã gây ô nhiễm môi trường cho các hộ dân xung quanh. Sau khi xây được hầm biogas, tôi rất vui vì nó đã không còn ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và người dân xung quanh. Gia đình tôi cũng đỡ được nhiều khoản chi phí trong dùng điện thắp sáng và mua chất đốt. Tính ra, trung bình mỗi tháng gia đình tiết kiệm được trên 300 ngàn đồng”.

Ông Siu Kươn- Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ia Pa cho biết: “Mô hình này rất tuyệt vời với các hộ nông dân chăn nuôi ở đây vì nó đã giúp người dân có thêm nguồn năng lượng thắp sáng, nấu ăn, sưởi ấm, chạy máy phát điện và không phải chi thêm tiền mua gas công nghiệp cũng như giảm bớt được tình trạng chặt phá rừng lấy củi. Chất thải sau khi xử lý bằng công nghệ biogas cũng trở thành nguồn dinh dưỡng tốt cho cây trồng nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, quá trình lên men chất thải chăn nuôi đã hủy diệt được những vi khuẩn có hại cho sức khỏe con người, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho các khu vực xung quanh”.

Từ những lợi ích đó mà bắt đầu từ năm 2009 với một vài hầm, đến nay toàn huyện đã có gần 100 hầm được xây dựng và tập trung chủ yếu ở 5 xã: Ia Trok, Ia Mrơn, Kim Tân, Pờ Tó và Chư Răng. Trong đó, có 79 hầm được xây theo dự án, mỗi hầm được hỗ trợ 1.200.000 đồng. “Với những ưu điểm và hiệu quả hiện có, tôi tin rằng sau khi kết thúc dự án, số lượng hầm biogas sẽ không ngừng tăng lên do các hộ dân tự xây dựng. Đây cũng là một yếu tố để người dân luyện cách chăn nuôi, góp phần đưa ngành chăn nuôi của huyện đi vào phát triển hơn nữa”- ông Siu Kươn cho biết thêm.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm