Ia Pa nỗ lực phục vụ người dân và doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ một địa phương còn nhiều khó khăn, huyện Ia Pa đã vào tốp 5 huyện, thị xã, thành phố dẫn đầu toàn tỉnh Gia Lai về chỉ số cải cách hành chính. 
15 giờ, Bộ phận một cửa tại UBND xã Chư Mố khá nhộn nhịp. Người dân ra vào nộp và nhận kết quả hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) từ cán bộ, công chức của xã. Mặc cho thời tiết tháng 4 oi nồng, cán bộ, công chức vẫn cần mẫn làm việc.
Bộ phận một cửa của UBND xã Chư Mố được trang bị khá đầy đủ từ máy vi tính, máy scan, máy in, máy photocopy, bàn làm việc, khu ghế ngồi chờ cho người dân và các thiết bị khác nhằm đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân đến liên hệ, làm việc thuận lợi.
Ông Phạm Quốc Quyền-Chủ tịch UBND xã Chư Mố-cho hay: “Bộ phận một cửa của UBND xã tiếp nhận, giải quyết TTHC với các nội dung: địa chính, chứng thực, đơn thư của công dân. Năm 2020, Bộ phận một cửa của xã đã tiếp nhận và giải quyết 2.500 hồ sơ. Chỉ 1 hồ sơ giải quyết trễ hạn và công chức phụ trách đã xin lỗi công dân. Nhìn chung, hồ sơ tiếp nhận theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của xã được giải quyết chủ yếu trong ngày”.
Người dân đến giải quyết ở TTHC tại Bộ phận một cửa của UBND xã Chư Mố. Ảnh: Phương Vi
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính tại huyện Ia Pa cũng được chú trọng. 100% xã được đầu tư hệ thống hội nghị trực tuyến, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng từ cấp huyện đến cấp xã. 100% phòng, ban chuyên môn thuộc huyện, UBND xã và các đơn vị sự nghiệp đã thực hiện trao đổi văn bản điện tử qua hệ thống quản lý văn bản điều hành, sử dụng chữ ký số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc đem lại nhiều tiện ích cho cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tiết kiệm thời gian rất nhiều.
Ông Tăng Xuân Duẩn-Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn-chia sẻ: “So với việc xử lý, in ấn và gửi văn bản giấy như trước đây thì việc gửi văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước qua hệ thống quản lý văn bản điều hành hay hộp thư công vụ tiện lợi hơn. Đây cũng là xu thế mà mỗi cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan phải tự trau dồi, học hỏi để theo kịp thời đại, phục vụ các tổ chức, cá nhân tốt hơn”.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc giúp cán bộ, công chức, viên chức của xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm thời gian, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Ảnh: Phương Vi
Trong công tác cải cách TTHC, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Kết quả trong năm 2020, các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận 125 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, tăng 10% so với năm 2019. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã tiếp nhận 157 hồ sơ trực tuyến mức độ 3.
Nói về những kết quả nổi bật trong cải cách hành chính (CCHC), ông Tô Văn Hữu-Trưởng phòng Nội vụ huyện Ia Pa-thông tin: Huyện xác định cải CCHC, nhất là cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo sát sao từng nội dung, tiêu chí cụ thể. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị phối hợp rất tốt trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Việc tăng cường kiểm tra CCHC tại cơ sở giúp huyện nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế.
Năm 2020, UBND huyện đã tiến hành kiểm tra tại 9/9 xã, phát hiện 13 nội dung còn tồn tại, sau đó các xã đã nhanh chóng khắc phục. Đối với các nguyên nhân chủ quan như: báo cáo trễ hạn, báo cáo thiếu phụ lục, không ban hành kế hoạch kịp thời… các xã đã nhắc nhở, kiểm điểm rút kinh nghiệm 46 cá nhân có liên quan, yêu cầu cam kết không lặp lại. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng tổ chức các lớp tập huấn về CCHC cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, giúp từng bước nâng cao năng lực phục vụ.  
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm