(GLO)- Ngay từ những tuần học đầu tiên, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Ia Pa, Gia Lai đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy và hoàn thành việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp để tập trung cho công tác dạy-học.
Ổn định tổ chức bộ máy, trường lớp
Năm học 2018-2019, huyện Ia Pa có 30 đơn vị trường học, gồm 391 lớp với hơn 11.700 học sinh; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 715 người.
Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, năm học này, huyện Ia Pa đã sáp nhập một số đơn vị trường học, bỏ một số điểm trường làng để đưa về trường chính, đồng thời tiến hành dồn lớp nhằm đảm bảo tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo việc dạy và học.
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: Đức Phương |
Ông Phạm Văn Đức-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Pa-cho hay: Chủ trương của huyện là sáp nhập 6 trường học gồm: Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ và Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Ia Trok), Trường Tiểu học Kpă Klơng và Trường THCS Cù Chính Lan (xã Ia Kdăm), Trường Tiểu học Nguyễn Trãi và Trường THCS Nay Der (xã Chư Mố). Cùng với đó là xóa bỏ các điểm trường có ít học sinh như điểm trường lẻ ở buôn Lanh, Tờ Khế và Bih A thuộc Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Tul), đưa học sinh về học ở điểm trường chính; đồng thời, xóa điểm trường buôn Tul thuộc Trường Tiểu học Quang Trung (xã Ia Broăi) để đưa số học sinh ở đây về học tại Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Tul)...
Theo Trưởng phòng GD-ĐT Phạm Văn Đức, để việc sáp nhập trường, dồn lớp diễn ra thuận lợi, từ trong hè, Phòng đã làm việc với chính quyền xã và các trường thống nhất lựa chọn tên trường mới sau khi sáp nhập và ổn định tổ chức bộ máy các trường, sau đó lập đề án trình Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt nhằm triển khai kịp thời trong năm học mới. “Việc sáp nhập vì thế không gây xáo trộn ở các đơn vị trường học, không gây ảnh hưởng đến việc dạy và học”-ông Đức nói.
Cùng với đó, ngành GD-ĐT Ia Pa nhanh chóng phân công, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên bộ môn để đảm bảo việc dạy và học. Ông Đức cho hay, đội ngũ giáo viên Tiểu học và THCS cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, ở bậc Mầm non còn thiếu 74 giáo viên, so với biên chế tỉnh giao cho ngành GD-ĐT huyện thì vẫn còn 35 chỉ tiêu biên chế, hiện đang chờ tỉnh tuyển dụng. Đồng thời, huyện mở rộng hình thức lớp bán trú dân nuôi cho các cháu từ 3 tuổi trở xuống ở 5 xã ở phía Tây sông Ba là vùng có kinh tế thuận lợi hơn, cho phép các trường hợp đồng thêm 39 giáo viên để đảm bảo việc dạy và học, phụ huynh sẽ đóng góp kinh phí chi trả lương cho giáo viên chứ không sử dụng đến ngân sách nhà nước.
Nỗ lực huy động trẻ đến lớp
Bước vào năm học này, việc đầu tiên của hệ thống chính trị huyện Ia Pa là tập trung huy động trẻ đến lớp, duy trì sĩ số học sinh, sau đó mới tính đến việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Kdăm) mở rộng dạy 2 buổi/ngày để huy động trẻ ra lớp, duy trì sĩ số học sinh. Ảnh: Đức Phương |
Đối với bậc Mầm non, trong năm học 2018-2019, hình thức bán trú dân nuôi đã được mở rộng ở tất cả các trường với hơn 2.300 cháu được ăn ngủ buổi trưa tại trường (chiếm hơn 2/3 số trẻ Mầm non toàn huyện). “Phụ huynh đóng tiền ăn trưa cho các cháu, nhà trường hợp đồng với nhân viên nấu ăn. Không chỉ ở điểm trường chính mà cả ở các điểm trường lẻ chúng tôi cũng duy trì học bán trú nhằm mục đích hạn chế tình trạng các em bỏ học theo bố mẹ lên rẫy. Buổi trưa, các cô giáo sẽ đưa cơm hộp từ bếp ăn ở điểm trường chính đến điểm trường làng cho học sinh. Dù vận chuyển xa nhưng chúng tôi cố gắng đảm bảo chất lượng bữa ăn cũng như an toàn thực phẩm cho các cháu”-bà Lê Thị Lộc-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (xã Ia Trok) cho biết.
Tại một số “điểm nóng” về tình trạng học sinh bỏ học như buôn Bầu (xã Ia Kdăm), năm nay có 5 học sinh Mầm non 5 tuổi được đưa về học tại điểm trường thôn Ia Kdăm 2 (có bố trí ăn trưa) để các cháu ổn định học tập, chuẩn bị vào lớp 1. Thôn Bi Yông, Bi Ya (xã Pờ Tó) cũng tiếp tục bố trí 2 điểm trường bán trú Mầm non để các cháu được ăn nghỉ buổi trưa tại trường, giúp phụ huynh yên tâm đi làm mà không phải mang con theo.
Tương tự, bậc Tiểu học ở huyện Ia Pa cũng đang mở rộng hình thức bán trú dân nuôi, trong đó chủ yếu là vận động các nhà tài trợ hỗ trợ chi phí ăn trưa cho các cháu để giảm bớt gánh nặng đóng góp tiền học của phụ huynh. “Nhà trường đang thực hiện đề án bán trú dân nuôi, nỗ lực vận động các nhà tài trợ giúp 90 học sinh lớp 1 được ăn ngủ buổi trưa tại trường, đồng thời duy trì học 2 buổi/ngày. Đây là cách tốt nhất để chúng tôi giữ chân học sinh ở lại trường để có thêm thời gian giảng dạy cho các cháu”-ông Trần Đăng Khoa-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Tul) bày tỏ.
Để nâng cao chất lượng dạy-học, Phòng GD-ĐT Ia Pa tiếp tục mở rộng dạy 2 buổi/ngày đối với bậc Tiểu học để giáo viên có thêm thời gian tăng cường môn Tiếng Việt và Toán cho học sinh. Do học sinh dân tộc thiểu số khi vào lớp 1 thường rất yếu về môn Tiếng Việt, thậm chí nhiều học sinh lớp lớn hơn vẫn ngại giao tiếp bằng tiếng Việt nên giáo viên càng phải dành nhiều tâm sức để giúp các em. “Đầu năm học, Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường tổ chức khảo sát môn Tiếng Việt của học sinh, sau đó nửa học kỳ và cuối học kỳ I sẽ có kiểm tra đánh giá làm cơ sở phân loại học sinh để có giải pháp giúp đỡ, tăng cường tiếng Việt kịp thời, hiệu quả cho những học sinh còn yếu trong học kỳ II, kể cả dạy phụ đạo trong hè. Trường cũng đưa tiêu chí đọc thông viết thạo tiếng Việt của học sinh vào bản đăng ký thi đua hàng năm của giáo viên để nâng cao trách nhiệm trong việc giảng dạy”-cô Nguyễn Thị Ngần-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (xã Ia Trok) cho biết.
Đức Phương