Ia Pa: Tín hiệu vui trong cải cách hành chính ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Tại huyện Ia Pa, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành thực sự đã và đang gánh vác rất nhiều công việc cho người xử lý, góp phần làm thay đổi toàn bộ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành và xử lý công việc, là tín hiệu vui trong lộ trình cải cách nền hành chính ở cơ sở”-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Nguyễn Thế Hùng nhận định.

Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành sử dụng công nghệ điện tử tiên tiến và phổ biến, không đòi hỏi cơ quan sử dụng phải trang bị hệ thống máy chủ và hệ thống thiết bị bảo mật liên quan khác nhưng lại đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kết nối liên thông giữa các cá nhân, đơn vị, giúp các cơ quan nhà nước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một văn phòng điện tử không giấy tờ. Qua tìm hiểu của P.V, hệ thống này dù khai thác tối đa các ưu điểm của mạng internet nhưng có cách tiếp cận thuận lợi, hiệu quả và dễ dàng, phù hợp với trình độ của cán bộ, công chức, viên chức địa phương hiện nay.

 

Bà Nguyễn Thị Thảo-cán bộ Văn phòng xã Ia Ma Rơn đang xử lý văn bản trên hệ thống. Ảnh: M.L

Sau hơn 1 năm ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành,  nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là UBND 9 xã của huyện Ia Pa nhận thấy, đây là biện pháp hữu ích để trao đổi thông tin, điều hành công việc hoặc quản lý văn bản trên mạng máy tính. Ông Đỗ Hoàng Châu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tul, cho rằng, phần mềm này không những thuận tiện trong công tác quản lý điều hành, xử lý công việc mà còn đánh giá được năng lực làm việc của mỗi cán bộ, công chức, ai chậm trễ là có thể trao đổi, xử lý ngay.

Là cán bộ Văn phòng xã Ia Ma Rơn đã nhiều năm, bà Nguyễn Thị Thảo cho biết: “Từ tháng 5-2016, xã đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên hệ thống máy tính. Tuy lúc đầu có nhiều bỡ ngỡ nhưng sau khi được tập huấn, việc xử lý hoạt động của cơ quan nói chung, bộ phận văn phòng, văn thư nói riêng được thực hiện một cách khoa học. Ở bộ phận văn phòng, các văn bản đi-đến của cấp trên và ngược lại đều được cập nhật và xử lý trong ngày, không như trước đây những công việc như xử lý văn bản, công văn, quyết định, tờ trình,… đều được làm thủ công, đi lại, in ấn, gặp gỡ mất nhiều thời gian, hiệu quả công việc có lúc không cao hoặc vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên dẫn đến chậm trễ, bị cấp trên khiển trách”.

Đến nay, 100% phòng, ban thuộc huyện; UBND 9  xã  đã ứng dụng thành công phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hơn 30 cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện thực hiện trao đổi thông tin, tài liệu bằng thư điện tử công vụ và hơn 130 cán bộ, công chức đã được lập tài khoản hộp thư điện tử. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tiếp nhận thụ lý giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử hơn 1.000 hồ sơ. “Vào bất kỳ thời điểm nào, Chủ tịch UBND huyện đều có thể theo dõi, giám sát, xử lý việc thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị nên các cơ quan, đơn vị không thể giấu việc. Ngoài ra, còn có thể tra cứu các văn bản chỉ đạo của tỉnh, các văn bản khác để kịp thời chỉ đạo xử lý. Đặc biệt, việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành giúp tiết kiệm rất lớn về văn phòng phẩm, thời gian”-ông Nguyễn Thế Hùng- Phó  Bí thư  Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, đánh giá.

Việc ứng dụng thành công hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được xem là bước tiến bộ trong công tác cải cách hành chính ở huyện. Đây chính là động lực để huyện Ia Pa tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong thời gian tới.

Mai Linh

Có thể bạn quan tâm