(GLO)- Bằng các hình thức hỗ trợ vay vốn, mua phân bón trả chậm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Hội Nông dân xã Ia Piơr (huyện Chư Prông) đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân khai thác các tiềm năng về đất đai để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hội Nông dân xã Ia Piơr hiện có 1.132 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 14 chi hội. Thời gian qua, Hội Nông dân xã đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất để giúp hội viên, nông dân từng bước nâng cao thu nhập. Ông Nguyễn Viết Tất-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Piơr, cho biết: Xã Ia Piơr có diện tích đất sản xuất rộng, bằng phẳng và thời tiết cũng khá thuận lợi cho việc trồng trọt, đặc biệt là đối với các loại cây hoa màu, cây ăn trái, điều và các loại cây lấy gỗ.
Nhờ được hỗ trợ vay vốn, gia đình ông Den có điều kiện mở rộng chăn nuôi để tăng thu nhập. Ảnh: H.T |
Tuy nhiên, vì nhiều lý do như đời sống gặp khó khăn, kỹ thuật canh tác còn hạn chế nên nông dân trên địa bàn chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế để nâng cao hiệu quả sản xuất. Do đó, Hội thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của hội viên để có những chương trình, hoạt động hỗ trợ phù hợp, thiết thực.
Cũng theo ông Tất, xác định nguồn vốn đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, thời gian qua, Hội đã tích cực phối hợp với các ngân hàng để giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, Hội phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giúp 308 hộ vay với tổng dư nợ 7,3 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện giúp 448 hộ vay với tổng dư nợ trên 56 tỷ đồng. Hội cũng vận động hội viên xây dựng quỹ Hội được 154 triệu đồng, giúp cho 35 hội viên vay với lãi suất thấp.
Cùng với đó, trung bình mỗi năm, Hội giúp nông dân mua trên 100 tấn phân bón trả chậm; phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân. Đồng thời, thành lập Câu lạc bộ “Khuyến nông bảo vệ thực vật” để hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; vận động nông dân đưa các loại giống cây, con mới có chất lượng cao vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng trang trại kết hợp trồng cây lâm nghiệp lấy gỗ.
Hơn 10 năm vào thôn Kỳ Phong (xã Ia Piơr) lập nghiệp, do nguồn vốn hạn hẹp nên gia đình ông Nguyễn Văn Den chỉ biết dựa vào nửa sào đất trồng rau, nấu rượu và chăn nuôi heo với số lượng ít để mưu sinh. Năm 2015, nhờ vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, ông Den có điều kiện làm chuồng, mở rộng chăn nuôi heo. Do đó, thu nhập của gia đình ông tăng lên đáng kể. Ông Den cho biết: “Những năm trước, trung bình mỗi năm, thu nhập của gia đình tôi chỉ đạt trên 20 triệu đồng. Từ khi có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi heo, thu nhập của gia đình tăng lên trên 60 triệu đồng”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Viết Tất cho biết thêm: Đến nay, toàn xã có 800 ha lúa nước, 350 ha điều, 100 ha mía, 22 ha cây ăn trái và hơn 1.000 ha bắp, đậu, mì… Ngoài ra, đàn heo có 5.000 con (tăng gấp đôi so với 3 năm trước). Đặc biệt, nông dân trong xã cũng đã xây dựng được 10 trang trại với thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm; 20 gia trại với thu nhập 300-500 triệu đồng/năm. Số hội viên sản xuất kinh doanh giỏi hiện nay là 224 hộ, hội viên nghèo giảm còn 200 hộ. Thời gian tới, Hội sẽ vận động nông dân tập trung thâm canh vườn điều; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Trong đó, sẽ đưa cây ăn trái vào phát triển thành vùng chuyên canh.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển mới một số mô hình chăn nuôi như: heo rừng lai, nuôi gà dưới tán cây, nuôi cá nước ngọt. “Tuy nhiên, xã nằm xa trung tâm huyện, đường sá đi lại khó khăn nên giá cả nông sản bấp bênh. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn gặp khó khăn về nguồn vốn. Do đó, chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm; tăng nguồn vốn và thời hạn vay, đặc biệt là đối với nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ nông dân xây dựng một số mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao”-ông Tất nhấn mạnh.
Hồng Thương