Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Kaihking: Chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một nhóm nhạc trẻ với tên gọi Kaihking (lấy cảm hứng từ ngọn núi Kon Ka Kinh) đã được thành lập ở làng Piơm, thị trấn Đak Đoa.
Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một nhóm nhạc trẻ với tên gọi Kaihking (lấy cảm hứng từ ngọn núi Kon Ka Kinh) đã được thành lập ở làng Piơm, thị trấn Đak Đoa.
Người đứng ra thành lập nhóm nhạc Kaihking là chị R’Com H’Sonh. Chị cho hay: Bà nội chị hát dân ca rất hay, bố cũng là người chơi giỏi các nhạc cụ dân tộc. Vì vậy, những lời ca trong trẻo, ngọt ngào và thanh âm đặc sắc của các nhạc cụ luôn có sức cuốn hút đặc biệt với chị. Tốt nghiệp đại học, chị trở thành giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường Tiểu học dân lập Trương Vĩnh Ký (huyện Đak Đoa). Tiếp xúc với nhiều em học sinh và thanh niên ở làng, thấy họ không còn mặn mà với nhạc cụ dân tộc, chị H’Sonh buồn lắm. Với quyết tâm khơi dậy niềm đam mê cho thế hệ trẻ, chị rủ những người họ hàng ở làng Piơm thành lập nhóm nhạc Kaihking. “Với nhóm nhạc này, tôi vừa thỏa mãn được đam mê của bản thân, vừa kết nối những người trẻ nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”-chị H’Sonh chia sẻ.
Một buổi tập luyện của nhóm nhạc Kaihking. Ảnh: T.B
Khi mới thành lập, nhóm chỉ có vài thành viên tham gia, nhưng hiện đã tăng lên 20 thành viên. Ông R’Com Suk-bố chị H’Sonh là người hướng dẫn trực tiếp cùng với sự chỉ dẫn của nhiều người lớn tuổi trong làng. Mỗi thành viên nhóm nhạc được giao những nhiệm vụ cụ thể, người đánh đàn t’rưng, chơi cồng chiêng, người đánh đàn goong, hát dân ca. Sau gần 4 năm thành lập, nhóm đã chơi thuần thục nhiều bài hòa tấu nhạc cụ trong các lễ hội truyền thống của dân tộc như lễ bỏ mả, lễ mừng nhà mới… Không dừng lại ở đó, nhóm còn thể hiện những nhạc phẩm hiện đại trên nền nhạc cụ dân tộc như: “Tây Nguyên chào mặt trời”, “Hello Việt Nam”...
Ngoài đam mê âm nhạc, chị R'Com H'Sonh (bìa phải) còn muốn gìn giữ sản phẩm thổ cẩm của dân tộc. Ảnh: T.B
Các thành viên trong nhóm phần lớn đều là học sinh, người nhỏ nhất mới 10 tuổi. Dù bận rộn nhưng đều đặn vào sáng chủ nhật hàng tuần, các thành viên lại sắp xếp thời gian đến nhà chị H’Sonh để tập luyện. Tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh-thiếu niên do Tỉnh Đoàn tổ chức cuối năm 2019, phần biểu diễn nhạc cụ dân tộc và hát dân ca của nhóm Kaihking đã đạt giải ba.
Chưa vắng một buổi tập luyện nào từ khi nhóm nhạc được thành lập, em R’Com Siôn (lớp 11B2, Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Đak Đoa) tâm sự: “Tham gia nhóm nhạc, em ngày càng thấy tự hào về âm nhạc của dân tộc mình. Có thể nhóm nhạc chưa thật sự thuần thục và điêu luyện nhưng chúng em rất vui vì được góp phần nhỏ bé của mình lưu giữ nét đặc sắc văn hóa của dân tộc”.
Anh Nguyễn Kim Quân-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa: Nhóm nhạc Kaihking đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Không chỉ tạo sân chơi cho các bạn trẻ, nhóm nhạc còn là hình thức tập hợp, đoàn kết thanh-thiếu niên hiệu quả, cần nhân rộng trong các tổ chức Đoàn-Hội.
Không chỉ chơi nhạc cụ, các thành viên nam trong nhóm nhạc còn học cách chế tác đàn t’rưng, đàn goong; thành viên nữ thì học cách dệt thổ cẩm, làm thành những bộ váy áo cách tân để phục vụ hoạt động biểu diễn của nhóm. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị H’Sonh cho biết nhóm sẽ tích cực tập luyện, tình nguyện biểu diễn phục vụ người dân nhiều hơn để nâng cao kỹ năng. Mục đích của nhóm là “tiếp lửa” văn hóa truyền thống. Nhóm không kết nạp thành viên một cách ồ ạt mà chọn lựa những người thực sự nghiêm túc và tâm huyết để ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm