Điểm đến Gia Lai

Kbang - Chuyện đất, chuyện người...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến với Kbang, một địa phương nằm cách TP. Pleiku khoảng 120 km về phía Đông, du khách sẽ cảm nhận được những nét đẹp rất riêng. Nơi ấy có một thị trấn xinh xắn nằm nép mình dưới thung lũng, không “thật buồn” mà đủ để bình yên cho một chuyến du lịch thưởng ngoạn.

Về với thiên nhiên

Từ trên cao nhìn xuống, thị trấn Kbang như được che chở bởi những dãy núi, lại có dòng sông Ba uốn lượn, một nét đẹp hữu tình mà ta thường thấy trong những bức họa. Những tòa nhà kiên cố, mái ngói đỏ tươi mọc lên ngày một nhiều; các con đường được bê tông hóa đến từng ngõ hẻm. Công viên văn hóa, Quảng trường Kbang như cô gái “má đỏ môi hồng” không quá cầu kỳ, diêm dúa, song cũng đủ làm nên nét tươi mới, trưởng thành cho thị trấn ở tuổi 33. Chiều xuống, du khách có thể ghé qua hồ Thủy điện An Khê-Ka Nak vùng ven thị trấn để ngắm mặt hồ và mây trời, để thấy bình yên như kẻ tha hương được trở về dưới mái nhà của mẹ. Phóng tầm mắt xa xa, chợt thấy mình bé lại trước mặt hồ mênh mông, sóng biếc xanh rờn, bầu trời soi gương dưới ánh chiều. Mặt trời đỏ lịm ẩn mình sau dãy núi, thả mình vào giấc ngủ dưới đáy hồ. Và du khách sẽ thấy Kbang nên thơ, dịu dàng hơn trong đêm mùa hạ bởi tiết trời dịu mát ban tặng cho vùng đất nơi đây. Đêm, nếu thong thả dạo bước lên con dốc cao mà phóng tầm mắt nhìn xuống sẽ thấy Kbang hiện lên xinh xắn, huyền ảo biết bao. Hàng ngàn ngọn đèn lấp lánh, ngỡ như cả một trời sao nhấp nháy dưới mặt đất. Cái lấp lánh, lung linh ấy không hào nhoáng như nơi đô thành nhưng đủ làm nên nét đẹp riêng có.

Du khách bên thác Kon Lốk (huyện Kbang). Ảnh: N.V.T
Du khách bên thác Kon Lốk (huyện Kbang). Ảnh: N.V.T



Bản ngã xưa nay của con người là được sống hòa mình với mẹ thiên nhiên, nhất là trong xu thế đô thị hóa. Về với Kbang là du khách được về với rừng, về với bản ngã của con người. Với độ che phủ chiếm gần 70% diện tích toàn huyện, sắc xanh của rừng Kbang sẽ đem đến cho du khách sự dịu lòng, khoan khoái. Này đây, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng ngút ngàn tầm mắt trên con đường Trường Sơn Đông đi vào các xã phía Bắc của huyện. Và đây nữa, rừng phòng hộ xã Nam kéo thành một dãy dài che chắn, bảo vệ cho đất Kbang từ bấy lâu nay. Giữa chốn phố thị ồn ào, ai mà chẳng ao ước được trở về với thiên nhiên. Chỉ cách trung tâm thị trấn Kbang khoảng 2-3 km, ta có thể nhìn thấy những cánh rừng, con suối và dòng thác. Bóng mát của những tán cây 2 bên đường cũng đủ giúp ta cảm nhận được sự bao dung của mẹ thiên nhiên ban tặng cho miền đất này. Rừng bao dung mang về hương thơm đủ sắc màu: dìu dịu, ngào ngạt, man mác hay hăng hắc trong không gian trong vắt, se se làn da vì lạnh. Cái không gian ấy, ta chỉ muốn ôm vồ lấy để chiếm lĩnh. Lần đầu đắm mình giữa cánh rừng đại ngàn, chắc chắn khách không đành lòng bấm một tiếng còi xe vì sợ vỡ òa không gian trong vắt. Lắng nghe từ rừng sẽ thấy những âm thanh riêng. Tiếng chim hót ríu rít muôn loài. Gió thổi. Nước chảy và thác reo. Rừng sinh ra thác nên Kbang là quần thể thác và suối. Hiện vùng đất này có đến 5-7 ngọn thác còn nguyên sơ, xung quanh là rừng xanh bao phủ, chưa kể đến vẻ đẹp của những dòng suối.

Về Kbang, du khách còn có thể đến thăm các di tích lịch sử, tìm hiểu về truyền thống cách mạng Kbang. Miền đất ấy sinh ra Anh hùng Núp, biểu tượng kiêu hãnh, bất khuất cho ý chí quật cường của các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Là người mê tác phẩm “Đất nước đứng lên”, muốn tìm hiểu về nền văn học cách mạng các dân tộc Tây Nguyên, mời bạn hãy sắp xếp một lần để đi thực tế, trải nghiệm về Kbang. Kìa, mái nhà rông đứng sừng sững như lưỡi rìu chĩa thẳng lên bầu trời. Khu lưu niệm Anh hùng Núp hôm nay đã được trùng tu, nâng cấp, mở rộng khang trang hơn. Nói về truyền thống cách mạng của huyện, không thể không kể đến Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu và Khu căn cứ cách mạng Krong. Không phải ngẫu nhiên mà từ thế kỷ XVIII, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã chọn mảnh đất này là nơi để nuôi chí khí quân sĩ, chuẩn bị cho cuộc hành quân ra Bắc. Bao thế kỷ đã trôi qua, dấu tích lịch sử không còn nhiều, nhưng vườn mít còn đó, những cây mít cổ thụ là vật chứng cho sự cưu mang của người dân Kbang với quân sĩ Tây Sơn. Và Khu căn cứ cách mạng Khu 10 (xã Krong) cũng vậy. Rừng núi Kbang đã “che bộ đội, vây quân thù”. Địa thế hiểm trở, lòng dân Kbang luôn trung thành với cách mạng, đó là lý do đất Krong được chọn là căn cứ của tỉnh trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, là nơi đứng chân của cơ quan Tỉnh ủy trong một thời gian dài, trở thành nơi chỉ huy, nuôi giấu cán bộ, làm bàn đạp để giải phóng tỉnh Gia Lai tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Du khách còn có thể ghé thăm Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak ở trung tâm huyện để tưởng nhớ về trang sử bi hùng của dân tộc một thời, thắp một nén nhang thơm để ghi nhớ công lao của những con người “Trải tấm lòng son vì đất nước/Đem dòng máu đỏ giữ quê hương”.  

 Thác 50 (huyện Kbang) hoang sơ, hũng vĩ. Ảnh: N.V.T
Thác 50 (huyện Kbang) hoang sơ, hũng vĩ. Ảnh: N.V.T



Thăm “bảo tàng văn hóa thu nhỏ”

Có dịp về Kbang, du khách cũng sẽ nhận thấy một trong những nét đặc trưng của vùng đất này là văn hóa vùng miền đa dạng, hình thành từ bản sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. Dân tộc thiểu số địa phương phần đa là người Bahnar có bản tính hiền hòa, chất phác. Ngoài ra, còn có 20 dân tộc anh em khác cùng chung sống. Chính vì vậy, không ngoa khi ví Kbang là một bảo tàng thu nhỏ về văn hóa vùng miền trên miền cao nguyên nắng gió. Này đây, văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc bản địa với lối sống cộng đồng, chế độ mẫu hệ, nếp sống nhà sàn, nhà rông cộng đồng và sinh hoạt cồng chiêng trong những dịp lễ hội. Có cả văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc: MMông, Tày, Dao… với đặc trưng từ ngôn ngữ, lối sinh hoạt, ăn mặc và phát triển kinh tế. Ở người Kinh cũng có sự phong phú trong văn hóa nhiều miền Bắc-Trung-Nam, trong đó tập trung nhiều nhất là cư dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Bình Định. Nét văn hóa ấy phong phú nhưng không hỗn tạp, hòa hợp chứ không hòa tan, tinh khiết cô đọng thành nét riêng và nếp sống của người Kbang. Đó là lối sống trọng tình cảm, chân thành và mến khách.

Đến Kbang chiêm ngắm cảnh thiên nhiên hữu tình, uống một ly trà, tâm sự với những con người trọng tình, thưởng thức ẩm thực của các vùng miền và tìm hiểu văn hóa các dân tộc ở nơi đây, có lẽ viễn khách sẽ cảm nhận được sự thi vị của cuộc sống và giá trị của chặng hành trình về với mảnh đất mến thương này.

 Nguyễn Văn Trung

Có thể bạn quan tâm