Kinh tế

Nông nghiệp

Kbang huy động nhiều nguồn lực để trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo kế hoạch trong năm 2017, huyện Kbang sẽ trồng hơn 683 ha rừng sản xuất với 1.124 hộ dân tham gia, trong đó chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, hộ người Bahnar. Không chỉ góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, trồng rừng sản xuất còn tạo nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nghèo ở Kbang.

  Chăm sóc cây bời lời giống. Ảnh: L.H
Chăm sóc cây bời lời giống. Ảnh: L.H

Huyện Kbang hiện có khoảng 126,5 ngàn ha rừng, trong đó có 3.925 ha rừng trồng. Theo kế hoạch UBND tỉnh giao năm 2017, huyện Kbang phải hoàn thành gieo trồng 678 ha rừng, trong đó trồng rừng sản xuất 618 ha và trồng cây phân tán 60 ha (tương ứng 60.000 cây). Sau khi rà soát tình hình thực tế, huyện đã thống nhất sẽ thực hiện vượt kế hoạch UBND tỉnh giao. Cụ thể, từ nguồn vốn ngân sách huyện và vốn từ các chương trình, dự án, huyện sẽ trồng 683,73 ha rừng sản xuất với tổng số 1.124 hộ dân được hưởng lợi. Ngoài ra, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku cũng trồng khoảng 105 ha rừng sản xuất trên lâm phần của đơn vị.

Ngay sau khi thống nhất chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng, huyện Kbang đã phân bổ, giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn, đồng thời chỉ đạo rà soát nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện năm 2017 để bố trí vốn thực hiện trồng rừng. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện trồng rừng sẽ bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc trong tháng 9-2017. Kinh phí huy động cho việc trồng rừng được sử dụng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong đó, chủ yếu là từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện năm 2017 hỗ trợ với quy mô 778 hộ, tổng diện tích trồng rừng là 535,35 ha (474,84 ha keo lai, 44,11 ha bời lời đỏ và 16,3 ha bạch đàn). Từ nguồn hỗ trợ này, trung bình mỗi gia đình, cá nhân được hỗ trợ tối đa không quá 1 ha. Các hộ dân đăng ký trồng rừng trong phương án được phê duyệt tự liên hệ đơn vị cung ứng cây giống đủ năng lực, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý để mua cây giống. Định mức hỗ trợ cây giống là 1.600 đồng/cây đối với cây keo lai hom và bạch đàn, 2.000 đồng/cây đối với cây bời lời đỏ.

Ngoài nguồn hỗ trợ trích từ ngân sách huyện, đối với tiểu khu 152, xã Nghĩa An sẽ được nhận hỗ trợ trồng rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg với 27 hộ dân được hưởng lợi, tổng diện tích rừng trồng là 13,48 ha, tổng kinh phí trên 101 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới sẽ hỗ trợ cho 319 hộ dân thuộc các xã: Krong, Kon Pne, Tơ Tung với tổng diện tích trồng rừng là 135 ha, trong đó có 66,5 ha keo, 68,2 ha bời lời đỏ và 0,3 ha bạch đàn. Riêng phần thực hiện trồng cây phân tán sẽ giao về cho tất cả các xã, thị trấn để trồng tại khuôn viên công sở, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa xã và dọc một số tuyến đường trục xã, thôn, làng…

Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku-đơn vị được giao khoán trồng 105 ha rừng sản xuất hiện đang đẩy nhanh tiến độ phát dọn thực bì để chuẩn bị tháng 8 tới sẽ tiến hành trồng rừng. Ông Trần Văn Trị-Giám đốc Công ty, cho biết: “Do thời tiết mưa nhiều nên công nhân chỉ tranh thủ ngày nắng ráo mới có thể phát dọn thực bì. Tuy nhiên, mưa nhiều sẽ là điều kiện thuận lợi cho cây sau khi trồng. Về công tác chuẩn bị cây giống, công ty đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng để nhập về khoảng 300.000 cây keo lai hom. Theo kế hoạch, việc trồng rừng sẽ được hoàn tất trong tháng 9”.

Hỗ trợ trồng rừng sản xuất không chỉ góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, đặc biệt là tại những vị trí đất khó có khả năng canh tác hiệu quả như: đất có độ dốc lớn, bị rửa trôi, bạc màu… mà còn tạo nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc Bahnar. Ngoài ra, việc trồng các loại cây xanh phân tán còn góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, văn minh cho khu dân cư, công sở, trường học.

Đánh giá về công tác trồng rừng năm nay, ông Mã Văn Tình-Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, nhận định: “Năm nay có mưa sớm với lượng mưa khá cao, rải đều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác trồng rừng trên địa bàn, đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Các loại cây dùng trồng rừng sản xuất đều có tính thích nghi cao với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, lại dễ canh tác nên người dân sẽ dễ dàng tiếp cận và làm chủ vườn rừng trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, sự quan tâm, vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của các địa phương cũng như cơ quan chuyên môn đối với công tác trồng rừng trên địa bàn huyện cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện”.

 Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm