Kinh tế

Nông nghiệp

Kbang: Nông dân khấm khá nhờ chuyển đổi cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, mô hình chuyển đổi cây trồng phát triển kinh tế của nông dân huyện Kbang, Gia Lai đã phát huy hiệu quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Theo ông Hồ Viết Cảm-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kbang, toàn huyện có gần 11 ngàn hội viên nông dân, chiếm gần 90% số hộ làm nông nghiệp trên địa bàn. Những năm qua, bà con nông dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai nhiều mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả thiết thực.
“Trong số đó phải kể đến mô hình cánh đồng mía lớn, trồng dâu nuôi tằm, cây ăn quả, sản xuất và cung cấp giống cây trồng, trồng rau sạch trong nhà lồng... Những mô hình này mang lại thu nhập cao cho nông dân, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững”-ông Cảm thông tin.
Nông dân Kbang thực hiện hiệu quả mô hình cánh đồng mía lớn. Ảnh: Đ.Y
Riêng trong 3 năm trở lại đây, mô hình cánh đồng mía lớn ở 3 xã: Kông Lơng Khơng, Đak Hlơ và Lơ Ku đã phát huy hiệu quả. Ông Lý Kim Thành-Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Xây dựng Lơ Ku là người gắn bó với nông nghiệp. Tuy nhiên ông cũng hiểu rằng trong thời gian ngắn để vận động các hộ dân đồng tâm hiệp lực dồn điền sản xuất tập trung là điều không đơn giản. Với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn của tỉnh, cuối cùng chương trình đã đạt kết quả hơn cả mong đợi. Các hộ tham gia thực hiện cũng không thể ngờ rằng, cũng trên đồng ruộng ấy, trước đây canh tác nhỏ lẻ theo từng hộ thì thu nhập bấp bênh, đến khi thông qua Hợp tác xã liên kết với Nhà máy Đường An Khê và cơ giới hóa sản xuất thì lợi nhuận tăng gấp rưỡi. 
Dừng chân bên cánh đồng lớn chuyên canh cây mía rộng gần 60 ha ở làng Đak Kjông (xã Lơ Ku), chúng tôi cảm nhận rất rõ niềm vui của nông dân đang thu hoạch mía nơi đây. Mọi hoài nghi trước khi thực hiện mô hình giờ đã tan biến, thay vào đó là lòng tin tuyệt đối vào chủ trương đổi mới phương thức sản xuất có tác dụng thúc đẩy nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Là một trong những hộ tham gia sản xuất trên cánh đồng lớn từ nhiều năm nay, ông Đinh Bới-Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Xây dựng Lơ Ku-chia sẻ: “Khi địa phương vận động tham gia Hợp tác xã để liên kết sản xuất trên cánh đồng lớn, tôi hơi e ngại. Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia, gia đình tôi được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật; được hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; được Nhà máy bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, có máy móc hỗ trợ nên chi phí đầu tư giảm, năng suất cao, giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác tăng gấp rưỡi so với cánh đồng truyền thống. Tôi còn được bà con tin tưởng bầu làm Phó Giám đốc Hợp tác xã”. Chị Đinh Lô (làng Đak Kjông, xã Lơ Ku) cũng vui mừng cho biết: “Nhà mình có 6 ha mía. Khi tham gia cánh đồng lớn, nông dân giảm được lượng giống, phân bón, số lần phun và lượng thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận lại cao hơn 2,5-3 triệu đồng/ha so với lối sản xuất cũ. Qua đó, tạo thêm động lực cho nông dân sản xuất vụ tới với niềm tin có được vụ mùa bội thu”.
Vài năm trở lại đây, nông dân Kbang còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất chịu hạn thấp sang trồng cây ăn quả. Theo thống kê, mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả toàn huyện hiện có gần 500 ha, phần lớn được trồng phân tán ở rẫy và trong vườn nhà. Cây ăn quả ở Kbang đa dạng về chủng loại, từ cam, quýt, ổi cho tới chuối, bơ, chôm chôm, xoài, vải, nhãn lồng, na Thái, ổi…, giúp nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Gia đình ông Cao Tấn Đảng (làng Briêng, xã Kông Pla) có 1,5 ha đất phủ kín 4 loại cây ăn quả gồm: ổi Đài Loan, na, nhãn Thái Lan, táo. Chỉ riêng 700 cây ổi Đài Loan cho thu năm thứ 2, ông Đảng đã thu về hơn 10 tấn quả, bán được 100 triệu đồng. Với 300 gốc na Thái Lan cho thu lứa thứ nhất, ông thu về được 1 tấn quả, bán được 40 triệu đồng. 200 cây táo sẽ cho thu hoạch vào tháng 6-2019 tới; còn 100 cây nhãn Thái Lan dự kiến khoảng 2 năm nữa cho thu hoạch. “Để hạn chế chi phí mua phân bón mà vườn cây ăn quả lại phát triển bền vững, gia đình tôi nuôi 5 con bò, 10 con dê để lấy phân bón cho cây trồng. Nhờ đó, vườn cây ít bị sâu bệnh, chất lượng quả cao hơn so với dùng phân hóa học. Hiện nay, lượng trái cây của gia đình không đủ đáp ứng nhu cầu của bà con trong vùng”-ông Đảng nói.
Cùng với trồng cây ăn quả, mô hình trồng dâu nuôi tằm cũng được đánh giá là rất triển vọng. Bà Chu Thị Huệ (xã Đak Hlơ) là người đầu tiên trong huyện mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất trồng mía sang trồng dâu nuôi tằm. Theo bà Huệ, 2 ha đất vừa trồng dâu vừa nuôi tằm cho thu nhập 106 triệu đồng/vụ sau khi trừ hết chi phí. Trong khi đó, nếu trồng mía thì chỉ thu được khoảng 50 triệu đồng/vụ với điều kiện mía đạt sản lượng, được giá, còn như hiện nay thì chỉ huề vốn, chưa tính công. “Trồng dâu nuôi tằm nhàn hơn trồng mía mà thu nhập lại cao, vốn ban đầu bỏ ra ít. Chỉ cần mua giống dâu về trồng, còn con giống được doanh nghiệp ở Đà Lạt qua cung ứng, đồng thời bao tiêu sản phẩm kén tằm. Vì thế, còn 8 ha đất trồng mía, năm nay tôi chuyển hết sang trồng dâu nuôi tằm”-bà Huệ cho biết.         
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm