(GLO)- Nhiều năm nay, người dân huyện Kbang đã tích cực chuyển đổi diện tích đất dốc, bạc màu sang trồng keo lai để xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.
Ông Trương Nhật Linh-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-cho hay: Xã có diện tích đất tự nhiên khá lớn với hơn 14.000 ha, trong đó có khoảng 80% là đất lâm nghiệp. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xã đã vận động người dân chuyển đổi phần lớn diện tích đất dốc, bạc màu sang trồng keo lai. Đến nay, người dân đã trồng được hơn 400 ha keo lai, đưa Lơ Ku trở thành xã có nhiều diện tích keo lai nhất huyện.
“Diện tích đất này trước đây chỉ trơ đất đá, giờ được phủ xanh cây keo lai. Hiệu quả lớn nhất của việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng keo lai là không chỉ hạn chế rửa trôi do bão lũ, giúp giữ đất, giữ nước cho sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn”-ông Linh nói.
Ông Đinh Hmâm (làng Tăng, xã Lơ Ku) cùng lãnh đạo xã kiểm tra vườn keo lai của gia đình. Ảnh: U.N |
Đưa chúng tôi đến tham quan 5 ha keo lai của gia đình, ông Đinh Hmâm (làng Tăng) cho biết: Trước đây, diện tích này trồng lúa nhưng mỗi vụ chỉ thu được 15-20 bao lúa. Đầu năm 2017, được sự vận động của chính quyền địa phương và học hỏi những người trồng keo lai ở vùng khác, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích này sang trồng keo lai. Nhờ trồng vào đầu mùa mưa nên tỷ lệ cây sống đạt đến 99%. “Mấy bữa nay đã có thương lái đến xem và trả giá 60 triệu đồng/ha nhưng tôi chưa bán, chờ thêm thời gian nữa để cây phát triển thêm”-ông Hmâm chia sẻ.
Còn ông Đinh A Lăng (làng Lợt) cũng đang sở hữu đến 7 ha keo lai. Hiện nay, 2 ha trồng đầu tiên đã thu hoạch. Theo ông Lăng, cây keo lai rất dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giống cây này không cần bón phân cũng chẳng cần chăm sóc nhiều, thỉnh thoảng chỉ làm cỏ, phát cành. Tuy nhiên để trồng keo lai trước tiên phải làm tốt khâu mặt bằng như phóng tuyến và đào hố.
Kông Lơng Khơng cũng là xã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất triền đồi, bạc màu sang trồng keo lai. Ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-cho biết: “Đến nay, tổng diện tích cây keo lai trên địa bàn xã là 263 ha. Mỗi héc ta keo lai 4-5 năm tuổi cho thu nhập bình quân khoảng 60-70 triệu đồng. Keo lai càng để lâu càng có giá trị. Nếu cây trồng được 9-10 năm thì giá lên đến 1 triệu đồng/cây”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, toàn huyện có khoảng 4.000 ha keo lai do người dân trồng trên đất dốc, bạc màu (trong đó 80% diện tích là của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số). Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, để khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng keo lai, mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng mô hình vườn ươm hỗ trợ người dân 3 xã: Lơ Ku, Krong và Kon Pne. Theo đó, Sở sẽ hỗ trợ mỗi xã 40 ha giống keo lai và 1 vườn ươm giống diện tích hơn 3 sào. Tại các xã này, Sở cử cán bộ trực tiếp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật làm đất, trồng, đồng thời hỗ trợ ươm giống.
“Trồng keo lai không chỉ giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo và làm giàu mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc. Keo lai nếu được khai thác đúng độ tuổi sẽ cho giá trị rất cao. Hiện tại, thương lái vào tận bãi mua với giá 100 triệu đồng/ha”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ.
Để tiếp tục giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tuyên truyền, vận động người dân chuyển những diện tích đất triền đồi, bạc màu trước đây trồng mía cho năng suất thấp sang trồng cây keo lai. “Ngoài lợi ích kinh tế, việc này một phần là để cải tạo đất, phần nữa hạn chế tình trạng người dân phá rừng làm rẫy”-ông Tình cho biết thêm.
UYÊN NGUYÊN