Đây quả là hành trình dài của ngành đường sắt đi qua 3 miền của đất nước: Nối liền Bắc Nam từ thời Pháp; gián đoạn rồi hoàn thiện bằng chuyến tàu Thống Nhất và nay bước lên tầm cao mới là tàu cao tốc. Dự án quá hấp dẫn. Theo lý thuyết như một doanh nhân mô tả là sáng ăn phở ở Hà Nội, trưa ăn mì ở Đà Nẵng và tối có thể ăn hủ tiếu tại TP HCM. Đó là câu chuyện vui nhưng rất hiện thực. Từ hiện thực này chúng ta sẽ hình dung được tốc độ của nền kinh tế khi rút ngắn được các khoảng cách giữa các địa phương bằng tốc độ các phương tiện giao thông. Trong kinh tế, tốc độ lưu chuyển sẽ được quy ra tiền. Đó là chưa kể tốc độ cũng rút ngắn sự chênh lệch về văn hóa, xã hội giữa các vùng.
Chúng ta may mắn có vị trí địa lý quốc gia rất thuận lợi: trải dài từ Bắc đến Nam, cả mặt phía Đông giáp biển. Chỉ một tuyến đường sắt hơn 1.500 km đi qua 20 tỉnh, thành phố và qua 3 trung tâm kinh tế chủ lực của cả Bắc - Trung - Nam. Trục ngang đi các tỉnh, thành khác ngắn nên ưu thế càng được phát huy. Hệ thống này được kết nối hầu hết các cảng biển và các sân bay quan trọng ở cả 3 miền.
Thuận lợi như thế nhưng dự án này từng phải "mang lên đặt xuống" hơn 10 năm. Cũng dễ lý giải, bởi một thập kỷ trước nền kinh tế quốc gia chưa đủ mạnh, nguồn ngân sách còn phải toan tính cho nhiều kế hoạch cấp bách khác nên e ngại với mức đầu tư lên đến 67,34 tỉ USD. Nhưng nay đã khác, quy mô nền kinh đã lớn mạnh, nhu cầu trao đổi hàng hóa trong nước và xuất khẩu phát triển quá nhanh, du lịch nhảy vọt... nên phát triển đường sắt cao tốc là bắt buộc. Phương tiện này phải phát triển để phục vụ cho nền kinh tế và thoát khỏi sự lạc hậu của đường sắt lâu nay.
Chỉ nhìn trong khu vực châu Á chúng ta đã chậm chân trong việc phát triển đường sắt cao tốc. Đơn cử như Nhật Bản họ làm tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên từ năm 1964 với 2.500 km, tốc độ 210 km/giờ ở địa hình rất phức tạp là nối liền các đảo và thường bị núi lửa, động đất uy hiếp. Trung Quốc phát triển đường sắt cao tốc chậm hơn, bắt đầu từ năm 2008 với các đối tác đến từ châu Âu và Nhật Bản. Chỉ hơn 10 năm sau, họ đã xây dựng hệ thống này lên đến 45.000 km và đảm nhiệm vai trò chính của hệ thống giao thông đường bộ.
Tăng tốc thi công các Dự án cao tốc Bắc-Nam để đạt 3.000km vào năm 2025
Mục tiêu hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045
Làm sau thì có thuận lợi riêng. Chúng ta sẽ bỏ qua các giai đoạn thử nghiệm của những buổi đầu sơ khai và tiếp cận với công nghệ mới nhất, an toàn nhất. Sau khi phát triển nó sẽ là tiền đề để cải tổ toàn bộ hệ thống đường sắt hiện hữu và phát triển đi tất cả các vùng. Đây cũng là phương tiện cạnh tranh với đường hàng không hiện hữu vốn giá vé khá cao.
Dự kiến tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ vận hành trong vòng 10 năm tới. Kế hoạch này cũng khá hoàn hảo khi cũng trong thời gian này mạng lưới đường bộ cao tốc với 3.000 km cũng đã hoàn thành. Đây là mốc phát triển mới không chỉ riêng cho nền kinh tế mà còn lan tỏa sang các vấn đề văn hóa, xã hội của cả quốc gia.
Theo Phạm Hồ (NLĐO)