Tết Việt

Kết nối hương vị Tết cổ truyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một góc xanh rì màu lá dong, lá chuối, cùng màu trắng ngà của dây lạt đang tô điểm cho hương sắc ngày Xuân thêm đậm đà. Đây cũng là một nét văn hóa không thể thiếu khi người dân đón Tết cổ truyền của dân tộc.
 

 

Theo những người bán, chuối có nhiều loại nhưng chỉ có lá từ cây chuối sứ và chuối hột là mới có thể dùng để gói bánh. Bởi lẽ, lá của các loại chuối khác gói bánh sẽ giòn, dễ rách khiến khi nấu thì nước dễ thấm vào, khi ăn bánh thường có vị hơi chát, màu bánh hơi đỏ không đẹp mắt. Những người bán lá và cả những người mua lá nhiều kinh nghiệm nhìn màu lá, độ dày của thớ lá có thể biết lá loại nào.
 

 

Nếu như những ngày 20-23 tháng chạp Âm lịch, người mua lá đa phần là mua sỉ, các lò bánh, giò chả thì từ 26, 27 tháng chạp Âm lịch, khu bán lá chuối lại nhộn nhịp người mua lẻ, mua lá về gói bánh cho gia đình để có không khí ngày Xuân.
 

 

Chen trong sắc xanh rì của lá dong là những khuôn bánh, dây lạt trắng ngà, mướt mát. Cạnh đó là ánh kim sáng lóa, tiếng keng keng gò nồi nhôm dùng nấu bánh chưng bánh tét cũng hòa vào âm thanh xì xào trả giá, ồn ã lựa lá...

 

Bánh chưng, bánh tét là vật phẩm ăn Tết có truyền thống ngàn đời của dân tộc. Vì vậy, mỗi năm trong cái Tết của người Việt không thể thiếu bánh chưng bánh tét thì cũng đồng nghĩa với việc không thể thiếu lá dong trong các phiên chợ Tết.
 

 

Đặc biệt hơn, theo nhiều người, mặc dù bây giờ thứ gì ra chợ, ra siêu thị cũng đều có hàng làm bán sẵn nhưng việc gói bánh, nấu bánh tại nhà là cơ hội để con cháu sum vầy. Ở nhà tự gói bánh tuy vất vả hơn nhưng được cái vui, con cháu mỗi người một công đoạn. Người lớn tuổi qua việc gói bánh chưng, bánh tét truyền lại cho người nhỏ tuổi văn hóa Tết Việt. Nồi bánh chính vì thế mà giữ được không khí Tết.

Hà Phương (st)

Có thể bạn quan tâm