Phóng sự - Ký sự

Khắc khoải tiếng còi tàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mới đây, tin từ đất nước Thụy Sỹ xa xôi: Hai chiếc đầu máy hơi nước cổ mua từ Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) của Việt Nam hồi cuối những năm 80 đã chính thức được đưa vào sử dụng phục vụ du khách trên tuyến tàu lửa răng cưa độc đáo Furka. Nghe tin, không biết là nên buồn hay vui!
Trong di động, tôi nói rõ từng tiếng với anh Ngô Minh Châu rằng: “Cho tôi xin hai vé tàu đi về… quá khứ, anh nhé!”. Phía đầu dây bên kia, nghe tiếng anh Châu cười: “Hoài cổ, nhỉ!”. Tôi đùa: “Không “hoài” mà được à! Thì, anh biết đấy, tiếng còi tàu của xứ sở sương mù này đã và đang khắc khoải trong tâm can biết bao nhiêu người mà!”. Thế là tôi lên hỏa xa.
Tiếng còi tàu tuổi thơ
Ngồi trên tàu, tôi bỗng nhớ về anh: Nguyễn Đắc Xuân- nguyên Trưởng Văn phòng đại diện miền Trung của Báo Lao Động. Cũng đã khá lâu, trước lúc về hưu, anh Nguyễn Đắc Xuân trở lại Đà Lạt và “lệnh” cho tôi đưa anh đến những nơi cần đến để tìm lại… tiếng còi tàu tuổi thơ. Hóa ra, anh Xuân là người gốc Huế nhưng tuổi thơ gắn với vùng quê Trại Mát của xứ sở sương mù Đà Lạt (Lâm Đồng)- nơi có tuyến tàu hỏa bánh răng cưa độc nhất vô nhị của Việt Nam đi ngang qua. Anh kể: “Hồi nhỏ, khi nghe tiếng còi tàu hụ từ xa, tụi trẻ con bọn mình bỏ cả bữa cơm, chạy ra đường rầy để vẫy tay chào những vị khách trên boong. Khi lớn lên, mình mới biết đó là tuyến hỏa xa răng cưa duy nhất của Việt Nam và là thứ hai của thế giới, sau Thụy Sỹ”.
Chiếc đầu máy hỏa xa phục dựng. Ảnh: K.D
Chiếc xe máy của tôi chở anh Nguyễn Đắc Xuân chạy lòng vòng mấy ngày hết trung tâm Đà Lạt đến Trại Mát, Trại Hầm, Xuân Trường, Xuân Thọ (Đà Lạt) rồi lại đến Drann (Đơn Dương, Lâm Đồng) và cả Sông Pha (Ninh Thuận) để tìm gặp những nhân chứng lịch sử của tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam. Mỗi khi qua một đoạn đường xóc, anh Xuân hóm: “Từ từ, chú em! Đi tìm quá khứ là cứ phải từ từ! Đừng để xe xóc, kiến thức về quá khứ văng ra khỏi đầu mất đấy!”. Tôi cầm tay lái, bụng bảo dạ: “Ông già này… gàn thật! Cái tuyến hỏa xa răng cưa thì người ta đã vặt trụi, cả cái cầu sắt Drann cũng bị dỡ bỏ, còn tìm được gì chứ!”. Tôi cũng tự nhủ: “Cụ Xuân sắp hưu rồi nên… hoài cổ đây mà!”. Nhưng, tôi đã nhầm!
Giờ thì tôi cũng đã trên dưới năm mươi tuổi rồi và lại ngồi trên toa tàu xình xịch ở phố núi để nghĩ về tiếng còi tàu cách nay mấy mươi năm mà tôi đã từng nghe nhưng chẳng mấy khi để ý để làm gì. Nhớ lại lúc chiều, anh Châu- Trưởng nhà ga hỏa xa Đà Lạt nói vọng trước khi tôi bước lên tàu: “Biết gì chưa? Hai đầu máy xe lửa cổ Đà Lạt bán qua Thụy Sỹ đã được đưa vào sử dụng trên tuyến đường răng cưa qua đèo Furka của nước này rồi đấy!”. Tôi nghe rõ, nhưng không biết đây là tin vui hay buồn, chỉ có câu hỏi này là cứ ong ong trong đầu: “Việc bán sắt vụn hai đầu máy xe lửa cổ Đà Lạt đến bao giờ mới được sửa chữa? Và, nếu có thiện chí sửa chữa, liệu có thể chăng?”. Câu trả lời: Khó ơi là khó!
Sai lầm đáng tiếc
Trưởng nhà ga hỏa xa Đà Lạt Ngô Minh Châu dí cho tôi mớ tài liệu về nhà ga Đà Lạt với lời dặn dò: “Nên nhớ tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt- Tháp Chàm là độc nhất vô nhị của Việt Nam và là thứ hai trên thế giới và nhà ga Đà Lạt được đánh giá là đẹp nhất Đông Dương đấy!”.
Để đọc lại những tài liệu trên, tôi tự cập nhật cho mình những thông tin mới toanh: Hồi giữa tháng tám năm nay, du khách khi đến Thụy Sỹ đã được đi trên tuyến tàu lửa răng cưa duy nhất của thế giới hiện nay bằng hai đầu tàu bánh răng cưa chạy bằng hơi nước mà họ đã mua lại từ Đà Lạt với giá một triệu ba trăm ngàn tiền Thụy Sỹ cách nay vài chục năm. Tuyến đường sắt độc đáo này của Thụy Sỹ vừa được khôi phục bởi một Công ty Dampfbahn Fukar Begstrecke. Dạo ấy, anh Nguyễn Đắc Xuân- người mà tôi đã đưa đi tìm lại tiếng còi tàu tuổi thơ- lưu ý cho tôi với tư cách là một đồng nghiệp: “Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm- Đà Lạt được xem là con đường sắt huyền thoại của châu Á nối vùng Duyên hải Nam Trung bộ ở độ cao vài trăm mét với cao nguyên Langbian có độ cao trung bình một ngàn năm trăm mét so với mực nước biển”.
Tuyến đường sắt độc nhất vô nhị này của Việt Nam chỉ dài 84 km nhưng bởi được thiết kế dạng răng cưa theo kiểu đường sắt qua đèo Furka Thụy Sỹ để vượt qua nhiều đèo dốc từ Tháp Chàm lên Đà Lạt, nhất là đèo Krông Pha (người đời nay đọc là Sông Pha) nên dẫu được khởi động từ 1908 nhưng người Pháp đã mất đến gần một phần tư thế kỷ- đến 1932- mới hoàn chỉnh và chính thức đưa vào khai thác. Riêng cây cầu sắt bắc qua sông Đa Nhim trên tuyến đường này cũng được xây dựng trong quãng thời gian khá dài với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về đường sắt trên thế giới như Thụy Sỹ, Pháp…  Tuyến hỏa xa răng cưa Tháp Chàm- Đà Lạt hoàn thành, người Pháp ngay lập tức mua mấy chiếc đầu máy hơi nước được thiết kế dạng đặc biệt của hãng Fukar Thụy Sỹ đưa sang và sử dụng trên tuyến đường này. Trên thế giới, dạng đường sắt kiểu răng cưa chỉ có 3 tuyến: Thụy Sỹ sở hữu hai tuyến và Việt Nam một tuyến; cũng như vậy, đầu máy hơi nước thiết kế dạng răng cưa chỉ Thụy Sỹ và Việt Nam là có.
Thế nhưng, sau 1975, tuyến đường sắt răng cưa dài 84 km từ Tháp Chàm lên Đà Lạt đã bị tháo ghi để… bán sắt vụn. Con đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam bị phá bỏ hoàn toàn. Sau đó, đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, qua cuộc mặc cả của ông Ralph Schorno- một kỹ sư cơ khí chuyên ngành đường sắt của Thụy Sỹ có mặt tại Việt Nam lúc bấy giờ, cùng với sự giúp sức của nhân viên đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, những đầu máy hơi nước của Đà Lạt cũng đã bị ngành đường sắt mang ra bán cho Thụy Sỹ cũng với giá… sắt vụn.
Chưa dừng lại ở đây, giữa năm 2004, ngành đường sắt tiếp tục thực hiện “đại sự” của mình là dỡ bỏ hoàn toàn cây cầu trên tuyến đường sắt bắc ngang qua sông Đa Nhim thuộc địa phận thị trấn Drann của huyện Đơn Dương (Lâm Đồng)- cây cầu sắt được hình thành với không ít mồ hôi của các chuyên gia hàng đầu trong ngành đường sắt và với cả máu của không ít công nhân người Việt. Điều khôi hài là, tôi còn nhớ như in lời của ông Trần Phú Điền- nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng- trong cuộc họp báo ngày 30-6-2004, rằng: “Việc phá bỏ cây cầu sắt Drann, chính quyền tỉnh Lâm Đồng không hề hay biết!”. Như vậy, chỉnh thể tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam hiện chỉ còn lại mỗi một cái nhà ga- ga hỏa xa Đà Lạt, cùng với tuyến đường sắt vừa được khôi phục trên dưới mươi cây số từ Đà Lạt đi Trại Mát để phục vụ du lịch.
 
Ngồi bên một người bạn, tôi như nghe tiếng còi tàu vọng về từ đâu đó rất xa xăm trong quá khứ tuổi thơ của những ai từng sống ở xứ sở sương mù này, như người anh đồng nghiệp Nguyễn Đắc Xuân của tôi chẳng hạn! Và lúc này đây, tôi lại tưởng tượng ra chiếc đầu máy hỏa xa Đà Lạt xưa cũ lăn trên đường ray qua đèo Fukar ở độ cao hơn 2.150 mét để du khách ngắm dòng sông băng Rhone đầy ấn tượng của đất nước Thụy Sỹ!
Con tàu lại hụ lên một hồi còi dài. Nó đã vào ga Trại Mát. Những du khách cả Tây lẫn ta lục tục bước xuống tàu và rời ga. Nhưng riêng tiếng còi tàu thì vẫn cứ âm âm dội vào vách núi trên cao. “Nó vẫn khắc khoải quá!”- tôi nhận rõ điều này!
Khắc Dũng

Có thể bạn quan tâm