Đó là điều mà ông Jensen Huang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA (Mỹ), khẳng định khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tuần qua. Là tập đoàn sản xuất chip bán dẫn có giá trị thị trường lớn nhất thế giới hiện nay, mong muốn trên của NVIDIA mở ra cơ hội lớn để VN có thể vươn mình trên bản đồ công nghệ thế giới.
Không riêng gì NVIDIA, nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn, thiết bị điện tử cũng đang quan tâm đầu tư vào VN nhằm đáp ứng các mục tiêu mới về chuỗi cung ứng. Cũng trong tuần qua, tờ Nikkei Asia ngày 8.12 dẫn một số nguồn thạo tin cho biết gã khổng lồ công nghệ Apple đang phân bổ các nguồn lực để sản xuất dòng máy tính bảng iPad tại VN. Cụ thể, Apple đang hợp tác với một nhà lắp ráp iPad quan trọng, để chuyển quá trình giới thiệu sản phẩm mới (NPI) sang VN. Trước đó, vào ngày 7.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) John Neffeur. Đi cùng ông Neffeur còn có đại diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong ngành bán dẫn.
Những diễn biến liên tục vừa nêu là dẫn chứng cho thấy cơ hội đang ngày càng rộng mở để VN phát triển ngành bán dẫn, nhất là trong bối cảnh ngành này đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng mạnh mẽ. Càng thuận lợi hơn khi quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời hai bên cũng đã thống nhất tăng cường hợp tác về chuỗi cung ứng, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn. VN cũng đã tham gia chương trình Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ đề xuất.
Trong khi đó, tổng thể ngành bán dẫn rất lớn, với nhiều phần phức tạp như khai thác và tinh chế nguyên liệu đất hiếm, thiết kế chip và vi mạch, sản xuất chip - vi mạch, đóng gói chip… Chính vì thế, trong bối cảnh VN vẫn cần hoàn thiện nhiều về chính sách, hạ tầng lẫn nguồn lực cho ngành bán dẫn, chúng ta đừng vội "ôm đồm", "gặp đâu nhận đó" dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững. Thêm vào đó, từng thành phần sẽ tạo ra giá trị khác nhau, đồng thời cũng hàm chứa những vấn đề khác nhau.
Chính vì thế, ngay từ lúc này, VN chúng ta cần có chiến lược được tính toán cụ thể nhằm chọn lựa những thành phần phù hợp trong cả chuỗi giá trị, nhằm phát triển hiệu quả và phù hợp nhất. Lộ trình phát triển cho từng thành phần cũng cần được vạch rõ với những sự chuẩn bị để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Có như thế, chúng ta mới không rơi vào những sai lầm từng phạm phải trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô ngày trước.